'Không cấp cứu kịp thời, doanh nghiệp sẽ tắt thở'

VPBank mới đây vừa công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 (tính đến ngày 4-5-2020) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ngân hàng tuyên bố dồn sức cứu doanh nghiệp

Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 14.000 trường hợp, và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỉ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm 0,5%-3% mỗi trường hợp.

Cũng tính đến ngày 4-5-2020, VPBank đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tương đương 18.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Với phân khúc khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương, thời gian vừa qua VPBank cũng song song giải quyết các nhu cầu được giảm, giãn nợ với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỉ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh. 

Đối với những ngân hàng có vốn nhà nước như tại Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank, cho biết ngân hàng đã có chính sách giảm lãi suất VNĐ đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch. Tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỉ đồng.

Đồng thời, Vietcombank sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1%-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30-4 chuyển sang đến 30-9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỉ đồng vì chính sách này.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV, cho biết ngân hàng đã cơ cấu giảm nợ cho 3.300 khách hàng, đồng thời miễn giảm lãi các dư nợ cũ 0,5%-1,2%/năm. Ngân hàng cũng đã chuẩn bị gói tín dụng 125.000 tỉ đồng để giải ngân cho khách hàng vay vốn trong giai đoạn này.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank, cho biết từ ngày 31-3, ngân hàng sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2% đối với các doanh nghiệp, người dân, và có thể cao hơn 2%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

Từ thời điểm công bố dịch (ngày 23-2) đến hết tháng 3, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay 0,5%-1,5% một năm cho gần 3.000 khách hàng với tổng dư nợ 60.000 tỉ đồng.

giao-dich-tai-vpbank

Khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, chỉ sau 4 giờ làm việc là VPBank và khách hàng đã thống nhất và hoàn thiện phương án giãn nợ và giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu.

Doanh nghiệp nói không thấy tiền hỗ trợ

Mặc dù các ngân hàng lớn nhỏ đều đã và đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng bằng nhiều biện pháp nhưng hiện vẫn còn một lượng lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tại buổi tọa đàm "Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020” vừa diễn ra ngày 5-5, đại diện các hội ngành nghề và doanh nghiệp cho biết nhiều doanh nghiệp đã biết đến các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP.HCM nhưng số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chưa nhiều. 

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, thực tế những hỗ trợ của Nhà nước khi đến với doanh nghiệp thì họ đã quá khó khăn, không đủ điều kiện vay vốn nữa. Vì vậy, những chính sách hỗ trợ khác như giãn nợ, giảm nợ, hỗ trợ lãi vay... tác động không lớn và hiệu quả không cao.

"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mong TP tháo gỡ vấn đề về vốn cho doanh nghiệp, chỉ cần vượt qua được ảnh hưởng của đại dịch thì sẽ đủ khả năng trả nợ ngân hàng" - ông Mạnh phát biểu.

Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, cho biết Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai và hiện đã có một số doanh nghiệp tiếp cận được. Song thực tế, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn khi tiếp cận các gói vay vốn ưu đãi theo quy định. 

Một số doanh nghiệp phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà; đối tượng áp dụng chưa rõ ràng. Điều đó khiến doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chưa thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi... Các chính sách hỗ trợ hiện còn rất khác nhau giữa các ngân hàng.

Tương tự, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM, đại diện cho KCX, KCN, cho rằng với tình hình dịch COVID tạm thời kiểm soát được thì chúng ta phải chuyển sang bước cứu doanh nghiệp như cứu hỏa.

"Hiện tại doanh nghiệp đang trong tình trạng cần ôxy để thở, hô hấp nhân tạo, nếu chúng ta không áp dụng những chính sách hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp sẽ trong tình trạng chết lâm sàng hoặc là tắt thở" - ông Anh ví von.

Thậm chí có vị đại diện cho một số ngành nghề còn cho rằng ngân hàng còn “dọa” rằng nếu làm đơn xin giãn nợ thì sẽ đẩy lên CIC, và một khi nằm trong danh sách đen của CIC thì đừng mơ gì đến việc tiếp tục được vay mới. Mà với một doanh nghiệp thì không được vay mới thì sẽ vô cùng khó khăn. Bằng chứng là có thời kỳ doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay lên đến 18%-20%/năm nhưng vẫn có thể "sống" được, song nếu không vay được thì doanh nghiệp sẽ "chết".

Trước các ý kiến phản ánh của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề…, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết đã ghi nhận và sẽ báo cáo thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét.

"Sau hội nghị, chúng tôi sẽ triển khai lại các ngân hàng trên địa bàn để kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các ngân hàng không tuân thủ chính sách, làm khó doanh nghiệp. Cùng với đó, sẽ công khai tiêu chí hỗ trợ DN... Cam kết với các doanh nghiệp là thời gian tới sẽ tạo sự minh bạch, công khai cho các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ vốn theo Thông tư 01" - ông Minh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm