Cụ thể, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố kết quả kinh doanh cơ bản quý III và lũy kế chín tháng đầu năm 2016. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm của LienVietPostBank đã đạt 865 tỉ đồng, tương đương 94,5% kế hoạch lợi chuận cả năm.
Mức lợi nhuận này tăng tấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận sau thuế trong chín tháng năm 2016 của LienVietPostBank đạt gần 700 tỉ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2015.
Với mức lợi nhuận chín tháng đầu năm 2016 và triển vọng lợi nhuận quý IV này, LienVietPostBank kỳ vọng sẽ đảo chiều được xu hướng suy giảm lợi nhuận trong bốn năm liên tục, kể từ năm 2012 đến 2015.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm 2016 với lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đạt 788,5 tỉ đồng, tăng 8,36% so với chín tháng đầu năm 2015.
Tính đến ngày 30-9, tổng tài sản của SHB đạt hơn 215.000 tỉ đồng, vốn tự có đạt gần 13.000 tỉ đồng. Tổng vốn huy động đạt hơn 198.359 tỉ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 đạt 176.367 tỉ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đảm bảo tính thanh khoản trong toàn hệ thống, thể hiện tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng nguồn vốn huy động của SHB.
Trong chín tháng đầu năm 2016, tổng dư nợ toàn ngân hàng đạt hơn 147.340 tỉ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2015. SHB đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước với tổng dự phòng 2.600 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Kiên Long báo lỗ quý III, nợ xấu tăng nhanh. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2016 của ngân hàng này, nhà băng có lãi thuần đạt 172 tỉ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động lên tới 153,6 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Do đó, ngân hàng lỗ gần 9 tỉ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 21,5 tỉ đồng. Lũy kế chín tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng Kiên Long đạt 15,8 tỉ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.
Tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng Kiên Long tăng từ 1,12% hồi đầu năm lên 1,47% tính đến cuối tháng 9-2016. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất là 187 tỉ đồng, tăng gần 55% so với cùng kỳ.
Tương tự, lợi nhuận của Sacombank, ngân hàng từng ở nhóm dẫn đầu khối ngân hàng cổ phần cũng sụt giảm mạnh trong chín tháng đầu năm nay so với cùng kỳ 2015.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý III-2016 chỉ đạt hơn 187 tỉ đồng, trong khi quý III/2015 đạt trên 615 tỉ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận trước thuế chỉ hơn 550 tỉ đồng, giảm rất mạnh (gần 75%) so với mức hơn 2.140 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải của Sacombank, trong quý III vừa qua, thu nhập lãi thuần giảm mạnh do chi phí trả lãi tiền gửi và tiền vay tăng (do cả lượng vốn huy động và lãi suất huy động tăng lên) dù ngân hàng có cân đối bằng dư nợ và lãi suất cho vay tăng lên.