Mở lại chợ truyền thống an toàn để hạ nhiệt giá rau, cá

Việc đóng cửa tất cả chợ tự phát, hàng loạt chợ truyền thống và ba chợ đầu mối lớn nhất tại TP.HCM để phòng chống dịch khiến nguồn cung hàng bị đứt gãy, gây quá tải cho các siêu thị. Do vậy, việc mở lại chợ truyền thống là cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Không thiếu hàng mà do đứt gãy chuỗi cung ứng

Chị Lành nhà ở quận Tân Bình cho biết do chợ truyền thống đóng cửa nên chị đi siêu thị mua hàng. Có điều siêu thị quá đông, có lúc chen chúc nhau nhưng hàng nông sản, thực phẩm tươi sống lại rất ít.

“Siêu thị quá tải, tôi chuyển qua mua hàng online nhưng kênh này cũng thường xuyên tắc nghẽn. Hôm trước, tôi và mấy chị hàng xóm cùng chung cư đã thanh toán đơn hàng mua thịt, cá, rau… nhưng mấy ngày sau mới nhận được hàng. Khi nhận được thì hàng tươi sống đã héo úa. Thậm chí có khi đặt đồ ăn trưa nhưng đến tối mới nhận được do siêu thị quá tải, không có nhân viên giao hàng”.

Không chỉ thiếu hàng và quá tải, mà giá nhiều mặt hàng thực phẩm tăng vọt, nhất là trứng, rau củ… tăng giá gấp 3-4 lần so với bình thường. Đơn cử như giá trứng gà ta bị đẩy lên 60.000-70.000/chục, trong khi giá trước đây cao nhất cũng chỉ dừng ở mức 30.000-40.000 đồng/chục.

“Các cơ quan chức năng cam kết đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng tiêu dùng thiết yếu của người dân với giá ổn định. Trên thực tế sự đứt gãy trong khâu phân phối, chuỗi cung ứng khiến hàng khan hiếm, giá tăng chóng mặt. Do vậy, tôi cho rằng việc Nhà nước có chủ trương xem xét mở lại các chợ với điều kiện đảm bảo an toàn là hợp lý” - chị Lành bày tỏ.

Nhiều nhà kinh doanh, chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm của chị Lành. TS Phạm Công Hiệp, giảng viên cấp cao và Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá việc thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt rau quả tươi không phải do thiếu năng lực sản xuất mà do chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, đặc biệt ở khâu thu mua nguyên liệu và kho bãi. Hệ quả là hàng hóa không được phân phối đến người mua kịp thời.

“Đó là lý do vì sao bất chấp nỗ lực rất lớn từ cơ quan chức năng và hệ thống siêu thị, việc khan hàng cục bộ hiện vẫn xảy ra. Do vậy nên xem xét mở cửa chợ truyền thống ở dạng thu nhỏ quy mô nếu đáp ứng được yêu cầu dịch tễ, đảm bảo giãn cách, thông thoáng” - TS Hiệp đề xuất.

Đang thiếu nhiều mặt hàng

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận việc cung ứng hàng hóa về TP.HCM đang gặp một số khó khăn. Việc đóng chợ đầu mối và chợ truyền thống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn cung hàng hóa vì nơi đây là nơi cung 60%-70% lượng hàng hóa cho người dân. Số chợ hoạt động giảm dần và đến nay chỉ còn khoảng 40 chợ.

Đại diện Sở Công Thương cũng cho biết TP hiện thiếu hụt nguồn cung rau củ quả với sản lượng khoảng 1.000-1.500 tấn. Mặt khác, TP tiêu thụ trung bình khoảng 3 triệu trứng gia cầm/ngày, nhưng hiện thiếu khoảng 300.000-400.000 quả trứng mỗi ngày. Chính vì vậy, sở đã đề xuất với UBND TP.HCM phương án mở lại một số chợ truyền thống và bán mặt hàng thực phẩm theo nguyên tắc chợ an toàn. “Nếu các chợ được hoạt động trở lại, chúng tôi tin rằng các thương lái sẽ quay lại giao dịch, đưa hàng hóa về” - đại diện Sở Công Thương TP.HCM nhận định.

Tiểu thương ngành hàng thịt heo chợ Bình Thới (quận 11) dựng vách ngăn đảm bảo khoảng cách khi mua bán. Ảnh: TÚ UYÊN 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Phước Long có quy mô lớn nhất quận 7, cho hay do tình hình dịch phức tạp nên chợ còn ngừng hoạt động. Nếu các chợ được mở trở lại sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể dễ dàng mua sắm, giảm áp lực quá tải cho siêu thị. “Ban quản lý và tiểu thương cam kết thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân” - ông Hùng tự tin.

Ví dụ, Ban quản lý chợ Phước Long triển khai cho tiểu thương ghi nhật ký bán hàng với đầy đủ thông tin họ tên, số điện thoại liên lạc của khách, thời điểm giao dịch trong ngày… để phục vụ việc truy vết, cách ly khi cần thiết. Đồng thời bố trí tiểu thương trong chợ buôn bán luân phiên các mặt hàng nhu yếu phẩm theo ngày chẵn - lẻ để đảm bảo giãn cách; trước khi tham gia bán hàng, tiểu thương và người lao động phải xét nghiệm âm tính với COVID-19...

Nhiều chợ khác cũng cho hay đã gửi phương án chợ hoạt động an toàn tới các bên liên quan và nếu được phê duyệt chợ sẽ triển khai cho tiểu thương bán trở lại ngay.

Chuẩn bị mở điểm tập kết trung chuyển hàng tại chợ Hóc Môn

Ngày 16-7 vừa qua, Sở Công Thương TP.HCM đã có công văn đề nghị UBND huyện Hóc Môn xem xét thông qua phương án của chợ đầu mối Hóc Môn để đưa điểm trung chuyển hàng hóa sớm đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Qua đó nhằm đảm bảo nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn TP. Đồng thời chỉ đạo triển khai các giải pháp an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho hay đã đề xuất phương án tổ chức bãi tập kết và trung chuyển hàng hóa tại chợ với hàng loạt tiêu chí an toàn. Ví dụ, tất cả tài xế, thương nhân, phụ vựa khi vào chợ bắt buộc phải có giấy âm tính với COVID-19. Đồng thời chợ bố trí khu vực lưu trú, ăn uống, vệ sinh... đảm bảo phương án “ba tại chỗ” và 5K cùng các điều kiện an toàn trong phòng chống dịch.

Với các phương án trên, dự kiến bình quân một ngày lượng hàng tập kết tại chợ đạt từ 120 tấn đến 150 tấn. Những mặt hàng này gồm bắp cải, cà rốt, khoai tây, bông cải, hành tỏi, bí đỏ...

Còn ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cho hay nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy phục vụ người dân, chợ bố trí khu vực trung chuyển hàng hóa cùng với việc thực hiện đầy đủ các phương án an toàn phòng chống dịch.

Trước sân chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) bố trí khoảng 10 sạp rau củ, trứng gia cầm... đảm bảo khoảng cách an toàn phục vụ người dân đi chợ. 
Ảnh: TÚ UYÊN 

Nhiều giải pháp để mở cửa chợ trở lại an toàn

Ngày 19-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.

Công văn nêu rõ: Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 hiện đã có ba chợ đầu mối, hơn 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

“Việc cung ứng phân phối hàng hóa cho người dân TP tập trung vào kênh phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trước tình hình trên, việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết” - công văn nêu rõ.

UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở Công Thương nghiên cứu hướng dẫn tổ chức các hoạt động tại các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch; tiếp tục phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án phát phiếu vào chợ  để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ). Bố trí các vách ngăn giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua, phân luồng lối đi. Tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ.

Song song đó hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để giúp việc mua bán được nhanh chóng, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán với người mua; bổ sung các điểm bán hàng đồng giá và thực hiện bán hàng đăng ký trước... TÚ UYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm