Mũ bảo hiểm “cách điệu” đạt chuẩn vẫn được lưu hành

Gần đây, một số báo, đài đưa tin từ ngày 15-11 tới, loại mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu sẽ không được phép sử dụng. Thông tin này khiến cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất loại mũ bảo hiểm này lâm vào cảnh khốn đốn. Chính vì thế, buổi hướng dẫn kỹ thuật áp dụng quy chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm do Trung tâm Kỹ thuật-Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) tổ chức sáng 21-8 vô hình trung lại trở thành diễn đàn cho doanh nghiệp nêu bức xúc.

Nhiều doanh nghiệp bên vực phá sản

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hùng Hậu (thương hiệu mũ bảo hiểm Hùng Hậu), bức xúc không biết các báo lấy thông tin từ đâu mà đăng tin này. Do vậy, hiện nay mỗi ngày Công ty Hùng Hậu nhận hàng trăm cái nón trả về. Ông Liêm cho biết hiện tại gần 500 công nhân phải nghỉ chờ việc vì sản phẩm đưa ra thị trường không tiêu thụ được trong khi chi phí thuê mặt bằng, lãi trả ngân hàng... cứ đến dồn dập. “Vì thông tin thất thiệt này mà bây giờ vợ chồng tôi bị stress nặng, nếu việc trả hàng cứ tiếp diễn chắc tôi phải tuyên bố phá sản” - ông Liêm nói.

Cùng hoàn cảnh như trên, ông Tấn Lộc, chủ Cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm Tấn Lộc (quận 8, TP.HCM), cho biết hiện tại mỗi ngày đều có đại lý đến trả lại hàng, số lượng ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày lượng mũ bảo hiểm thời trang mà đại lý trả về trị giá 20 triệu đồng. Nếu việc trả hàng cứ kéo dài thì doanh nghiệp tôi sẽ chết - ông Lộc nói.

Ông Phạm Xuân Đông, Thư ký Câu lạc bộ Những nhà sản xuất kinh doanh Mũ bảo hiểm & Thời trang, cho biết tính sơ bộ hiện nay có khoảng gần một trăm doanh nghiệp sản xuất loại mũ này đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ đã dẹp tiệm vì hàng làm ra các đại lý không nhận, người tiêu dùng không mua, nguyên liệu tồn kho, thêm vào đó lãi vay ngân hàng phải trả...

Mũ “cách điệu” vẫn được lưu hành

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm 3 thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-chất lượng, đã trấn an doanh nghiệp ngay tại cuộc họp. Ông Dũng cho biết hiện nay vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào ban hành nói cấm lưu hành loại mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu. Vì thế thông tin đăng trên một số báo nói sẽ cấm loại mũ này là không chính xác. “Mặt hàng mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu nếu đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng vẫn được phép lưu hành như các loại mũ bảo hiểm khác” - ông Dũng khẳng định.

Tiến sĩ Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, có mặt trong buổi họp cũng cho biết như vậy. “Cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy có văn bản pháp quy nào nói cấm lưu hành loại mũ bảo hiểm thời trang. Các doanh nghiệp bị thiệt hại từ những bài báo viết thông tin trên có thể yêu cầu các báo đính chính. Nếu chưa thỏa đáng có thể làm đơn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông khiếu nại, nhờ xử lý báo” - ông Quyền nói.

Xung quanh loại nón bảo hiểm cách điệu, ông Đinh Văn Trữ, Phó Giám đốc Trung tâm 3, giải thích thêm trên thế giới hiện chưa có nước nào làm các kiểu mũ như vậy. Mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu chỉ có ở Việt Nam. Mặt hàng này hiện nay có hai loại chính, có vành và có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ. Ông Trữ cũng khẳng định các loại mũ bảo hiểm thời trang, cách điệu nếu đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vẫn được phép lưu hành sau ngày 15-11.

Bà Lê Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết hiện nay hội và Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp thống kê các kiểu dáng mũ bảo hiểm thời trang bán ngoài thị trường. Sau khi có kết quả thống kê, hội sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất ra các kiểu mũ bảo hiểm bảo đảm tính an toàn, có tính thẩm mỹ cao.

Có dấu CS, nếu đạt chất lượng vẫn được lưu thông

Ngày 28-4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định 04 thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy. Theo quyết định này, từ ngày 15-11, mũ bảo hiểm sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (CR) và quy định pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm 3 (ảnh), cho biết: “Từ nay đến hết ngày 15-11 các doanh nghiệp phải tiến hành và hoàn thành việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy đối với từng kiểu mũ bảo hiểm do doanh nghiệp sản xuất.

. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức nào chứng nhận, thưa ông?

Mũ bảo hiểm “cách điệu” đạt chuẩn vẫn được lưu hành ảnh 1+ Hiện nay có ba nơi chứng nhận hợp quy. Đó là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng 1 (Hà Nội), Trung tâm 3 (TP.HCM) và Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn-QUACERT (Hà Nội). Danh sách các tổ chức chứng nhận hợp quy sắp tới sẽ được Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường - Chất lượng bổ sung thêm.

. Doanh nghiệp thực hiện gắn dấu CR lên mũ bảo hiểm như thế nào?

+ Sau khi thực hiện chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp thực hiện công bố hợp quy tại Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

. Sau ngày 15–11 loại mũ bảo hiểm nào được phép lưu hành, thưa ông?

+ Sau ngày này, doanh nghiệp chỉ được đưa ra lưu thông mũ bảo hiểm đạt chất lượng, có nhãn mũ và dấu CR. Nhãn mũ bảo hiểm sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm thông tin tên sản phẩm (phải có cụm từ mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy); tên và địa chỉ sản xuất; cỡ mũ; tháng, năm sản xuất. Đối với mũ bảo hiểm đã đưa ra lưu thông trên thị trường trước ngày 15-11 (dấu CS) mà đáp ứng các yêu cầu của Quyết định số 51 về việc bắt buộc công bố phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam đối với mũ bảo hiểm sản xuất trong nước, Quyết định số 52 về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm nhập khẩu, Quyết định 29 về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho trẻ em... thì tiếp tục được lưu thông.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm