Mua hàng qua mạng: Sẽ không còn 'mua iPhone nhận cục gạch'

Ngày 24-11, tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT)” do nhiều đơn vị cùng phối hợp tổ chức, các đại biểu có chung nhận định: TMĐT tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của TMĐT, không ít người tiêu dùng có phản hồi tiêu cực về loại hình mua sắm mới này.

Có năm nhận 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cho hay: Trong ba năm qua, đơn vị ghi nhận sự gia tăng các khiếu nại liên quan đến giao dịch trên nền tảng trực tuyến. Các khiếu nại thường là giao hàng không đúng như quảng cáo, người bán cung cấp thông tin không chính xác, khi tranh chấp thì xử lý không thỏa đáng...

“Trung bình mỗi năm chúng tôi nhận được khoảng 500-2.000 khiếu nại của người tiêu dùng” - ông Quảng thông tin.

Ông cũng đánh giá dù số lượng các vụ khiếu nại gia tăng nhưng hầu hết vụ việc giải quyết không thành công đều liên quan đến các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên nền tảng TMĐT. Riêng với các sàn TMĐT lớn, các doanh nghiệp (DN) lớn đều phối hợp và xử lý tốt.

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại sàn TMĐT Lazada tại Việt Nam, chia sẻ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đơn vị này đã xây dựng bộ quy chế chi tiết phân định trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình mua sắm. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính minh bạch, đầy đủ, chính xác của thông tin để giúp khách hàng phân biệt, đưa ra lựa chọn đúng sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ mong muốn.

Đại diện sàn TMĐT Shopee, bà Đỗ Trúc Quỳnh cũng cho biết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đơn vị này cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến bảo mật và an toàn; áp dụng chính sách trả hàng hoàn tiền trong trường hợp có khiếu nại về chất lượng sản phẩm, thường xuyên sàng lọc danh sách người bán có sản phẩm vi phạm...

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bủa vây, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm tại nhà hơn là đến mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống.
Ảnh: AN HIỀN

Quyền lợi người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn

Nhiều ý kiến đánh giá Nghị định 85/2021 bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 về TMĐT có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 tới đây sẽ tạo hành lang pháp lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt nhất khi thực hiện mua bán trực tuyến, trong đó có cả TMĐT xuyên biên giới. Qua đó có thể giảm được tình trạng khách hàng mua phải sản phẩm có chất lượng không như quảng cáo, hàng không còn nguyên vẹn, giao hàng quá chậm hoặc tránh được tình trạng “mua iPhone nhận cục gạch” như báo chí đã phản ánh thời gian qua.

Cụ thể, có 25 nhóm bổ sung chỉnh sửa theo hướng minh bạch thông tin về hàng hóa cung cấp trên sàn TMĐT. Bà Hồ Thị Tố Uyên, Phó Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT Cục TMĐT và kinh tế số, dẫn chứng: Nghị định 52/2013 về TMĐT trước đó quy định người bán phải cung cấp đầy đủ thông tin để người tiêu dùng có thể xác định một cách chính xác các đặc điểm, đặc tính của hàng hóa cung cấp trên website. Tuy nhiên, nghị định này lại không chỉ rõ thông tin nào bắt buộc phải công khai.

Do vậy, tại Nghị định 85/2021, nội dung này đã được điều chỉnh và có quy định cụ thể thông tin hàng hóa phải bao gồm các thông tin bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

Nghị định 85 cũng tăng cường trách nhiệm của các chủ sàn giao dịch TMĐT. Chẳng hạn, chủ sàn TMĐT có trách nhiệm phối hợp kịp thời xử lý các phản ánh, khiếu nại khi nhận được trên sàn; có biện pháp gỡ bỏ các thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Một nội dung mới đáng chú ý là giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Cụ thể, với sàn giao dịch TMĐT nước ngoài cung cấp dịch vụ và sản phẩm tới người tiêu dùng Việt Nam thì khi đạt tới một số tiêu chí như số lượng giao dịch từ 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trở lên trong một năm, họ phải đặt văn phòng đại diện hoặc chỉ định đơn vị đại diện ủy quyền tại Việt Nam.

Mỗi ngày có 80.000 phiên livestream bán hàng

Cục TMĐT và kinh tế số nhận định thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi. Họ chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn, hạn chế mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng.

Các DN cũng thay đổi tư duy, từ chỗ trước đây chỉ coi TMĐT là một lựa chọn thì hiện nay coi TMĐT là yếu tố giúp công ty tồn tại và phát triển. Các cá nhân kinh doanh, DN cũng vì vậy mà tăng cường ứng dụng bán hàng trên mạng xã hội.

Theo thống kê của cơ quan thuế, có những DN đạt doanh thu khủng lên tới hàng trăm tỉ đồng nhờ TMĐT. Đặc biệt, môi trường TMĐT trên mạng xã hội đang rất hứa hẹn, nhất là xu hướng bán hàng qua livestream.

Một thống kê của Công ty Gostream cho thấy hiện trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có khoảng 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Trên nền tảng các sàn TMĐT cũng có khoảng 2.000-3.000 phiên livestream bán hàng mỗi ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm