Nên cho phép địa phương thu thuế địa phương

“Hiện nay chúng ta không thấy rõ được cái gì thì địa phương có thể tự làm, cái gì cần phải xin phép và cái gì thì phải xin phép trực tiếp Thủ tướng. Nếu có thể minh định được thẩm quyền của trung ương và địa phương, làm rõ được mối quan hệ này cả về thẩm quyền, nhân sự và tài chính thì có lẽ nền hành chính của chúng ta sẽ hiệu quả hơn” - TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH), nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì tổ chức ngày 10-1 tại Cần Thơ.

Tại hội thảo, các đại biểu chủ yếu đóng góp ý kiến cho chương 9 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định về CQĐP. Theo ông Thảo, CQĐP là một trong những vấn đề khó nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong Ban Biên tập Dự thảo Hiến pháp. “Hiến pháp sẽ không quy định quá chi tiết về CQĐP để không dẫn đến “tự trói mình” sau này mà để cho luật quy định cụ thể. Nhưng dù chung chung thì Hiến pháp vẫn phải trả lời được ba câu hỏi. Thứ nhất, áp dụng chủ thuyết nào để tổ chức CQĐP: tản quyền hay phân quyền; CQĐP tổ chức và hoạt động như thế nào hay câu hỏi về mô hình CQĐP (gồm mấy cấp, do dân bầu hay bổ nhiệm hay kết hợp cả hai). Thứ hai, trung ương làm gì và địa phương làm gì hay câu hỏi về phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương. Thứ ba, tiền ở đâu hay câu chuyện về tài chính do ai quản, ai chi” - ông Thảo nói.

Đi vào góp ý cụ thể, GS-TS Thái Vĩnh Thắng (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng cần phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và CQĐP. Đơn cử thẩm quyền quyết định ngân sách, nên trao quyền tự chủ, quyền tự quyết, quyền kiểm soát quản lý các nguồn thu của CQĐP. Cho phép CQĐP thu thuế địa phương để có ngân sách độc lập với ngân sách trung ương, hướng tới xây dựng CQĐP tự quản.

Đồng quan điểm về việc cần phân cấp mạnh hơn cho CQĐP trong quyết định ngân sách, PGS-TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH, bổ sung: “Cần đẩy mạnh phân cấp quyền quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo hướng loại nào nhất thiết phải thi hành thống nhất trong cả nước để đảm bảo công bằng, bình đẳng thì trung ương ban hành; loại nào có thể cho địa phương vận dụng thì trung ương ban hành khung; loại nào thực hiện do đặc điểm riêng có ở địa phương thì giao cho HĐND cấp tỉnh ban hành”.

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm