Chủ Big C cam kết nhận lại hàng dệt may Việt

Tập đoàn Central Group (Thái Lan), chủ sở hữu và quản lý chuỗi siêu thị Big C Việt Nam (VN), cam kết trong 15 ngày tới sẽ mở lại đơn hàng cho 150 nhà cung cấp hàng dệt may. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4-7.

“Giải quyết dựa trên cơ sở hợp đồng”

Ông Hải cho biết sáng cùng ngày, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với tổng giám đốc Central Group, Hiệp hội Dệt may VN và đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại VN sau khi Big C đột ngột thông báo dừng mua sản phẩm may mặc trong nước từ tháng 7.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Central Group cam kết sẽ mở lại đơn hàng cho 200 nhà cung cấp hàng dệt may của VN trong hai tuần tới. Trước mắt, trong ngày 4-7, đơn vị này đã mở lại đơn hàng cho 50 doanh nghiệp (DN), số DN còn lại sẽ được Central Group giải quyết sau khi rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn.

“Central Group cũng nói làm đúng quy định và tuân thủ pháp luật VN khi tạm dừng nhận hàng dệt may của một số DN. Phía Central Group khẳng định việc dừng nhập hàng chỉ là tạm thời trong vòng 15 ngày. Phía tập đoàn đã có gửi thư đến các đối tác để giải thích rõ việc này” - ông Hải cho hay.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho hay hiện nay có khoảng 4.000 nhà sản xuất đang cung cấp sản phẩm cho phía Central Group, trong đó có khoảng 200 nhà sản xuất các mặt hàng dệt may. Bộ Công Thương đánh giá cao những đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại VN. Mặt khác, Bộ khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của các DN VN.

“Vụ việc này phải được giải quyết dựa trên cơ sở hợp đồng giữa Central Group đã ký với các nhà cung cấp sản phẩm dệt may của VN. Đồng thời, họ phải tuân thủ các quy định pháp luật khác của VN về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vấn đề cạnh tranh” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu quan điểm.

Còn bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết Central Group cam kết duy trì tỉ lệ hàng Việt ở hệ thống siêu thị Big C đạt trên 90%, trong đó các mặt hàng nông sản ở siêu thị chiếm tỉ lệ rất cao, bán rất tốt. Trong khi đó, tỉ lệ hàng Thái Lan chỉ chiếm 1,26% trên toàn hệ thống.

“Tại cuộc họp, phía Central Group không phàn nàn về chất lượng hàng may mặc VN nhưng họ thay đổi chiến lược kinh doanh mới, GO! Market với mặt hàng kinh doanh chất lượng cao nhiều hơn, nên cơ cấu lại nhóm ngành hàng” - bà Nga nói.

Việc Big C tạm ngừng nhập mặt hàng dệt Việt may đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Phải hài hòa lợi ích các bên

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nói: “Chúng tôi đã yêu cầu Tập đoàn Central Group rà soát các hợp đồng đã ký kết với các nhà cung ứng trên cơ sở pháp lý sao cho đảm bảo hài hòa lợi ích ba bên. Thứ nhất là lợi ích của các nhà cung ứng mặt hàng may mặc vào Big C. Thứ hai là lợi ích của Big C và thứ ba là lợi ích của người tiêu dùng. Phải rà lại hợp đồng đã ký và tuyệt đối không được phá vỡ những hợp đồng pháp lý mà họ đã cam kết”.

Lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định không có quy định nào về tỉ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị của các nhà bán lẻ nước ngoài tại VN. Thay vào đó, trong quá trình xem xét cấp phép, cơ quan chức năng sử dụng ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế). Trong đó, xem xét kỹ khả năng đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương, đóng góp cho an sinh xã hội, môi trường và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.

“Do tác động của quá trình hội nhập, trong vòng vài năm tới, ENT cũng sẽ xóa bỏ theo cam kết hội nhập. Tuy nhiên, với các nhà bán lẻ nước ngoài, chúng tôi cũng luôn yêu cầu họ có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng tốt, thực hiện tốt những chủ trương của VN” - ông Đông nói.

Liên quan đến việc bảo vệ hàng hóa trong nước, ông Đông cho hay Bộ Công Thương và Vụ Thị trường trong nước đã và đang có nghiên cứu các giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay nhiều quốc gia, như Malaysia, đang có những quy định về hàng hóa nước sở tại như tỉ lệ hàng hóa nước họ tại siêu thị nước ngoài; hàng nước sở tại được trưng bày ở vị trí ưu tiên, những quầy kệ có lượng khách lớn…

“Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định này ở nước ta phải có nghiên cứu kỹ để không vi phạm luật pháp WTO, lấy ý kiến rộng rãi để có sự đồng thuận của người dân và xã hội. Đồng thời giúp các nhà sản xuất trong nước phát triển, giúp các nhà phân phối nước ngoài phát triển ở thị trường VN” - đại diện Bộ Công Thương nói.

“Chính chúng ta hại chúng ta”

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng Big C đã được ưu ái trên thị trường VN mấy chục năm nay về thuế thu nhập DN, về tổ chức nguồn hàng… và đại diện Big C cũng khẳng định ưu tiên hàng Việt.

Tuy nhiên, việc Big C tạm dừng nhập hàng dệt may của DN Việt hết sức đột ngột như vậy làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của các công ty Việt bởi nó liên quan đến công ăn việc làm, doanh số, nộp ngân sách. “Người ta đang buôn bán 20 năm ở Big C, đóng góp cho Big C bao nhiêu, giờ anh lật kèo như thế, với đạo đức kinh doanh, tôi cho là không ổn. Rồi đây, sau nhóm hàng dệt may thì nhóm hàng đồ chơi trẻ em…, chúng ta phải đề phòng tất cả tình huống như vậy” - ông Phú cảnh báo.

Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng nhiều chính sách của VN hiện nay đang quá ưu ái DN nước ngoài mà chưa quan tâm đến DN nội địa. “Có một DN Việt từng nói với tôi “DN Việt không cần được ưu tiên, chỉ cần công bằng mà cũng không được”. Nghe rất xót xa! Chính điều này góp phần khiến DN Việt thất thủ trên sân nhà. Chính chúng ta đang hại chúng ta, chứ không phải đại gia Thái Lan. Và chúng ta sẽ trở thành người làm thuê mãi mãi” - ông Phú nói.

“Dừng đột ngột là không hợp lý”

Bà NTT, một nhà cung cấp hàng may mặc, cho biết từ hơn 20 năm nay bà đã cung cấp sản phẩm cho hệ thống siêu thị Big C. “Mỗi tháng cơ sở của tôi cung cấp cho hệ thống siêu thị này khoảng 100.000 sản phẩm nhãn hàng riêng và sản phẩm của cơ sở. Chúng tôi không yêu cầu Big C phải ký hợp đồng trọn đời với nhà cung cấp nhưng nếu dừng nhận hàng thì cũng phải có lộ trình hợp lý. Nhưng đùng một cái họ dừng mua hàng khiến chúng tôi trở tay không kịp, như vậy là bất hợp lý” - bà T. nói.

Trả lời câu hỏi liệu có phải do hàng dệt may Việt kém chất lượng nên Big C dừng mua, bà T. quả quyết: “Nếu đổ lổi do hàng của nhà cung cấp Việt xấu, giá cao là không thuyết phục. Bởi 20 năm nay họ mua hàng của chúng tôi, nếu không đạt chất lượng thì chắc chắn họ đã không tiêu thụ. Mặt khác, nếu hàng xấu thì họ có thể trao đổi với chúng tôi để điều chỉnh, chứ không phải dừng mua đột ngột như vậy”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm