Ngày 28-5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Cải thiện mẫu mã, tham gia nhiều hội chợ để bán hàng
Có mặt tại hội nghị, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, đại diện cho Hội Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), chia sẻ về quá trình phát triển cũng như cách vượt qua khó khăn mà làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng này đang áp dụng. Theo đó, ông Tĩnh cho biết làng nghề mây tre đan Phú Vinh đang có bước phát triển rất tốt. Mấy năm gần đây, sản phẩm của làng nghề đã được nhiều khách hàng quốc tế như Thái Lan, Myanmar, Ý, Pháp... đến đặt hàng về bán.
Nhờ sự phát triển này mà nghề mây tre đan đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khi đang thuận lợi như vậy thì dịch COVID-19 xuất hiện gây ra hàng loạt khó khăn, đơn cử như nguồn nguyên liệu bị cạn kiệt, lực lượng lao động cũng thiếu trầm trọng.
“Chúng tôi phải đóng cửa toàn bộ các xưởng sản xuất. Lao động làng nghề đang từ 200.000 đồng/ngày thì nay giảm chỉ còn 30.000-40.000 đồng/ngày, đời sống của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn” - ông Tĩnh chia sẻ.
Trước những khó khăn chồng chất, ngay sau khi Hà Nội hết giãn cách xã hội, làng nghề mây tre đan Phú Vinh ngay lập tức mở cửa sản xuất để kịp thời phục hồi. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch, các bạn hàng quốc tế quen thuộc trước đây từ châu Âu, châu Á lại không thể sang đặt hàng nên lại gặp khó khăn cho đầu ra. “Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi cố gắng thay đổi mẫu mã, tham dự nhiều hội chợ… để tìm đầu ra cho sản phẩm. Hy vọng làng nghề sẽ sớm phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại” - ông Tĩnh cho biết.
Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10, cũng chia sẻ về câu chuyện của công ty mình. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty cũng như nhiều đơn vị khác bị đứt nguồn cung cấp vật tư sản xuất. Đến giữa tháng 4, công ty lại đối diện với mối nguy lớn hơn là bị “đứt cầu”.
“Dù hết sức khó khăn nhưng tập thể công ty vẫn tìm mọi cách để vượt qua. Chúng tôi rất cám ơn các cơ quan chức năng đến thời điểm này đã khống chế được đại dịch. Đối với ngành may mặc, chúng tôi thấy Việt Nam (VN) là một trong những nước mở cửa sớm nhất, là lợi thế so với nhiều đối thủ trong ngành, nhất là ở các nước ASEAN” - ông Long chia sẻ.
Ngoài thị trường xuất khẩu, đại diện Công ty May 10 cho rằng thị trường trong nước với 100 triệu dân cũng là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cần liên kết lại để có thể cùng sử dụng các dịch vụ của nhau. “Theo thống kê, riêng trong ngành dệt may nếu có sự hợp tác tốt thì các DN sẽ không phải mất chi phí đầu tư thêm nhưng vẫn tăng được năng lực và sự đáp ứng đối với khách hàng lên 30%” - ông Long nói.
Giai đoạn hậu dịch COVID-19, các doanh nghiệp tích cực tham gia các buổi hội chợ, kết nối cung cầu để tìm kiếm khách hàng. Ảnh: AN HIỀN
Cần bắt chặt tay nhau
Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các DN vừa và nhỏ TP Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE, chia sẻ trong tháng 4 vừa rồi, gần như người dân không có nhu cầu, nhiều DN phải đóng cửa. Mảng xuất khẩu của SUNHOUSE có thời điểm dường như ở con số 0. Do đó, hiện nay công ty chỉ còn trông chờ vào thị trường tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay là sự kết nối giữa các DN VN còn rất lỏng lẻo. “Trước khi vào dự hội nghị này, tôi đã đi tham quan các gian hàng triển lãm ở bên ngoài và thấy rằng cũng có nhiều đơn vị khác, trong đó có cả DN quốc phòng sản xuất đồ gia dụng. Nếu các DN bắt tay nhau, một bên nắm được thị trường, thương hiệu và một bên có năng lực sản xuất cùng kết nối lại thì chắc chắn chúng ta có thể tạo được ra những loại hàng hóa có giá cạnh tranh” - ông Phú nhấn mạnh.
Cùng ngày, tại hội nghị trực tuyến “Xúc tiến thương mại giày dép VN - Mỹ hậu COVID-19” do Bộ Công Thương và Thương vụ Đại sứ quán VN tại Mỹ tổ chức, ông Vũ Bá Phú, Cục Xúc tiến thương mại, nhận định: Mặc dù xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng trong quý I vừa qua nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, các hợp đồng đàm phán của quý II và quý III-2020 của nhiều công ty Việt chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại Mỹ trên đà suy giảm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo sau khi khống chế được dịch, nhu cầu mặt hàng giày dép tại thị trường Mỹ sẽ tăng cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ các DN giày dép cần thúc đẩy xúc tiến thương mại sang thị trường Mỹ.
Thông tin tại hội nghị cho hay các DN Mỹ đang đi theo xu hướng yêu cầu các DN đưa ra sản phẩm hoàn chỉnh để có thể lựa chọn, chứ không phải đưa ra mẫu sẵn để các DN Việt làm như trước đây.
Bộ Công Thương cho hay ngay cả trong bối cảnh những tháng đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế trên toàn cầu thì Mỹ vẫn là thị trường lớn giúp kim ngạch xuất khẩu của VN có được sự tăng trưởng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại VN - Mỹ đạt gần 25 tỉ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của VN sang Mỹ đạt hơn 20 tỉ USD, nhập khẩu đạt gần 4,8 tỉ USD. |