Sắp ra mắt chợ giao dịch, mua bán nợ

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VN) - VAMC vừa cho biết đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương Sàn giao dịch nợ VAMC, dự kiến vào đầu quý III-2021. Đây là sàn mua bán nợ đầu tiên của VN. Chia sẻ với báo chí, Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng khẳng định: Bất cứ tổ chức hay cá nhân muốn mua bán nợ cứ mang lên sàn giao dịch nợ này.

Người dân tìm hiểu về mua bán tài sản nợ xấu đang bị ngân hàng rao bán. Ảnh: NGUYỆT NHI

Hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp

Lãnh đạo VAMC thông tin Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, trong khi một lượng nợ xấu của nền kinh tế lại chủ yếu tích hợp ở hệ thống tổ chức tín dụng. Vì vậy, Ngân hàng (NH) Nhà nước yêu cầu VAMC làm đầu mối, xây dựng sàn giao dịch nợ.

Sàn này sẽ thực hiện các nghiệp vụ tư vấn, môi giới, mua bán nợ xấu và các loại tài sản. Như vậy, có thể thấy sàn giao dịch nợ giống như “chợ” kết nối mua bán nợ, một loại hàng hóa khá đặc biệt và tài sản giữa các thành viên với nhau. Qua đó hứa hẹn sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả và chuyên nghiệp tại VN.

TS Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết thêm: Sàn mua bán nợ sẽ xử lý tất cả giao dịch mua bán nợ xấu không chỉ của VAMC mà còn của tất cả NH thương mại. Những thông tin đưa lên sàn mua bán nợ sẽ bao gồm dư nợ của khoản vay là bao nhiêu, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là như thế nào...

Lãnh đạo nhiều NH kỳ vọng khi sàn giao dịch nợ ra đời thì các khoản nợ xấu rao bán sẽ đắt khách hơn, đặc biệt sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia. Bởi thời gian qua, nhiều NH rầm rộ rao bán nợ là những tài sản thế chấp như nhà, đất, nhà máy, ô tô, tàu biển, cổ phiếu… để thu hồi nhưng ế ẩm, dù có khoản nợ đại hạ giá nhiều lần đến 50%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc NH OCB, nhìn nhận: Thị trường mua nợ xấu tại các NH chưa sôi động lắm nhưng mức độ quan tâm của khách hàng thì rất cao. Thế nhưng các NH trước giờ khi có tài sản bảo đảm cần thanh lý như bất động sản, nhà xưởng, thiết bị, máy móc, xe hơi… thì thường đưa lên website của mình, cho các nhân viên xử lý nợ đi chào mời khách hàng hoặc đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Cách làm như vậy thể hiện sự manh mún, nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp.

“Giờ đây, khi VAMC thành lập sàn mua bán nợ sẽ là nền tảng giúp việc mua bán nợ xấu được công khai, minh bạch, nhiều người biết đến hơn và giao dịch cũng thuận tiện hơn. Với vai trò dẫn dắt của mình, sàn sẽ góp phần làm cho thị trường mua bán nợ tại VN trở nên sôi động hơn, có sức sống hơn. Thị trường mua bán nợ xấu khi được vận hành hiệu quả sẽ tạo ra sự chuyển dịch lành mạnh cho tài sản của người dùng chưa hiệu quả sang người dùng có hiệu quả hơn. Đồng thời, sàn cũng hỗ trợ NH trong việc thanh lý nợ xấu, quay vòng vốn nhanh hơn” - ông Tùng nhấn mạnh.

Con nợ không còn lo bị ép giá

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhận định: “Đến nay VN mới thành lập thị trường mua bán nợ là quá chậm so với nhu cầu của thị trường, bởi đáng lẽ nó đã phải có ngay từ thời điểm Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội ra đời. Nhưng dù sao thì muộn còn hơn không”.

“Nợ thực chất cũng là tài sản của một NH, cũng giống như các loại hàng hóa khác, họ phải được chuyển nhượng, mua bán… Trong khi đó, nhu cầu mua bán nợ ở VN không hề thiếu và hệ thống tín dụng lại ngày càng lớn mạnh, cho nên nhu cầu về một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp càng trở nên bức thiết hơn” - ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM, đánh giá: Trước đây, khi các tài sản thế chấp rơi vào nhóm nợ xấu, chủ tài sản thường muốn tự mình tìm người mua để có tiền trả NH. Song, khi khách hàng đến NH để tìm hiểu về thông tin liên quan đến khoản vay, tài sản thế chấp lại không hề dễ dàng. Thích thì NH cung cấp, không thích thì họ hoàn toàn có quyền từ chối với lý do không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng vay.

Nay khi có sàn giao dịch mua bán nợ không chỉ giúp thông tin khoản vay được minh bạch hơn mà còn giúp thúc đẩy quá trình mua bán nợ được thực hiện nhanh hơn. Khi có sàn mua bán nợ thì cả người mua lẫn con nợ đều cảm thấy thỏa mãn, vì tất cả mọi người đều có quyền tham gia đấu giá. Càng nhiều người tham gia thì giá trị tài sản đấu giá càng cao, con nợ cũng thu về được mức lợi nhuận tốt hơn mà không còn sợ bị ai ép giá nhằm làm giảm giá trị của tài sản bảo đảm.

“Trước giờ, việc bán nợ xấu thường được xử lý một cách “âm thầm”. Nghĩa là chỉ có NH chủ động và độc quyền trong việc mua bán nợ. Nhưng khi tài sản nợ xấu cần xử lý được đưa lên sàn thì quyền lợi của người mua cũng được bảo vệ, sẽ không còn nguy cơ đối mặt với hợp đồng mua bán nợ bất hợp pháp” - luật sư Hải nhấn mạnh.

Giới chuyên gia có chung nhận định: Việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là rất hữu ích. Việc giải phóng nhanh, công khai, minh bạch “cục máu đông” nợ xấu sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, khơi thông dòng vốn. Tuy vậy, các cơ quan nhà nước cần phải nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ để tạo cơ sở pháp lý thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động.

 

Xuất hiện giới mua bán nợ chuyên nghiệp

VAMC cho biết lũy kế từ năm 2017 đến hết ngày 31-12-2020, đơn vị này đã mua nợ xấu theo giá trị thị trường 9.962 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 9.706 tỉ đồng.

VAMC dự kiến năm 2021 sẽ mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt 20.000 tỉ đồng, mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường 5.000 tỉ đồng, xử lý thu hồi nợ 30.000 tỉ đồng dư nợ gốc.

Đáng chú ý, hiện đã xuất hiện những tay chơi chuyên nghiệp sẵn sàng đầu tư để mua các khoản nợ xấu của NH với kỳ vọng sẽ thu hồi nợ sớm, thanh lý tài sản để tạo ra lợi nhuận. Đây là những người rất rành về mặt pháp lý, hiểu rõ về giá trị tài sản, nắm chắc các thủ tục cần thiết, biết cách thương lượng với người vay cũng như với NH trong quá trình mua nợ xấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm