Tăng thuế nhập khẩu sữa: Người nuôi bò và người tiêu dùng đều chết

Ngày 25-2, một cuộc họp giữa các bộ ngành liên quan do Bộ Tài chính chủ trì nhằm đi đến thống nhất việc nên hay không nên tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sữa. Tại cuộc họp, các bên đều nhất trí rằng phải tăng thuế nhập khẩu sữa tươi nguyên liệu và sữa thành phẩm để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bò, khuyến khích các hộ sản xuất trong nước.

Bò sữa đã lao đao, giờ càng khó trụ

Tuy nhiên, đối với nguyên liệu sữa bột, giữa các bộ ngành vẫn còn những ý kiến trái ngược. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phải tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này lên các mức 15%, 18% và 28%, bằng mức thuế theo cam kết WTO năm 2009-2010 và cao hơn 3%, 5% và 8% so với phương án thuế dự kiến của Bộ Tài chính.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, lý giải việc đề xuất tăng thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu trở lại là theo đúng lộ trình gia nhập WTO. Trên thực tế, năm 2007, thuế có điều chỉnh theo chiều hướng giảm là để hạ nhiệt thị trường sữa, hạn chế lạm phát và người tiêu dùng được uống sữa với giá hợp lý. Tuy nhiên, việc thuế nhập khẩu sữa giảm quá nhanh cùng với giá nguyên liệu sữa trên thế giới trong thời gian gần đây giảm mạnh (giảm 40%-50% so với trước) đã khiến một số doanh nghiệp không chú trọng thu mua nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước. Điều này gây ra khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa vốn dĩ đã quá lao đao sau “cơn bão melamine”, giờ thêm khó khăn và có nguy cơ không trụ nổi.

Bộ Công thương trước đó đã lưu ý rằng trước khi tăng thuế cần xem xét thêm các tác động tới cung cầu mặt hàng sữa. Hiện nay, nguyên liệu sữa trong nước mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sử dụng, chủ yếu là sữa tươi hoặc để chế biến sữa tươi tiệt trùng, sữa chua chứ chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thực phẩm. Chưa kể, việc tăng thuế này lại có thể khiến giá sữa trong nước tăng cao, ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến hôm 25-2, Bộ này đã có công văn gửi Bộ Tài chính nhất trí với đề nghị tăng thuế nhập khẩu sữa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tăng thuế chỉ là chữa cháy

Xung quanh việc tăng hay không tăng thuế nhập khẩu sữa còn có nhiều chuyện đáng bàn và đây được xem là câu chuyện nhiều kỳ của ngành sữa từ trước tới nay. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc tăng thuế trở lại theo cam kết WTO là điều cần phải làm khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức này. Chưa kể việc tăng thuế sẽ mang lại lợi ích cho người chăn nuôi bò sữa.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, tăng thuế trong lúc này cũng chỉ là giải pháp tạm thời và không giúp nhiều cho người chăn nuôi bò sữa nếu về lâu dài nhà nước không đề ra một kế hoạch phát triển dài hơi.

Trở lại “nghi án ai giết đàn bò sữa” mà báo chí từng phản ánh hồi giữa năm 2006, không phải Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không nhận ra nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu sữa. Vì thế, năm 2001, Bộ đã đề ra chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa khắp các tỉnh. Tuy nhiên, do không có tính toán về vấn đề con giống, thức ăn, đầu ra cùng với giá thu mua nguyên liệu sữa quá rẻ dẫn đến chương trình nhanh chóng bị phá sản. Để rồi trong mấy năm trở lại đây dù đã cố gắng phát triển nhưng tổng số lượng đàn bò sữa không tăng. Với một nhu cầu rất lớn như tại Việt Nam nhưng phần lớn nguyên liệu sữa đều phụ thuộc từ nước ngoài thì rõ ràng ngành sữa trong nước đang “xây nhà từ nóc” và người tiêu dùng luôn thua thiệt khi phải mua sữa giá cao.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết dù thu nhập của người dân Việt Nam còn rất thấp, nhưng giá sữa lại cao chót vót. Vì vậy, thông tin tăng thuế nhập khẩu sữa rất đáng lo ngại và đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng.

Theo ông Minh, bên cạnh việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường thì quan trọng hơn, nhà nước nên có chương trình phát triển vùng chăn nuôi, vùng nguyên liệu, hỗ trợ vốn giúp người chăn nuôi nâng cao sản lượng, chất lượng sữa để cạnh tranh với nguyên liệu nhập ngoại.

Hiện tại, ngoài một số ít công ty sữa tự bỏ tiền đầu tư cho người nuôi bò sữa thì vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho ngành sữa rất ít ỏi và chính sách đưa ra chỉ là đối phó.

Thuế nhập khẩu tăng, giá sữa sẽ tăng

Ngày 24-2, nhà phân phối độc quyền sản phẩm Abbott đã có văn bản thông báo chính thức về việc tăng giá sữa. Công ty này cho biết, trong thời gian vừa qua, tỷ giá USD đã liên tục tăng cao so với VND đã ảnh hưởng tới việc kinh doanh do tất cả các sản phẩm của Abbott đều được nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu. Vì vậy, các mặt hàng dinh dưỡng nhập khẩu nhãn hiệu Abbott sẽ được điều chỉnh tăng giá 4%.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết trong đợt biến động tỷ giá vừa rồi, công ty không quyết định tăng giá bán. Tuy nhiên, nếu quyết định tăng thuế nhập khẩu sữa được thông qua và có hiệu lực thì phương án tăng giá bán sản phẩm sữa sẽ được công ty tính đến. Hiện tại, nguồn nguyên liệu sữa trong nước chỉ đủ để Vinamilk sản xuất sữa tươi, còn đối với sữa bột, sữa đặc thì toàn bộ nguyên liệu đều phải nhập từ nước ngoài.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm