Tư vấn nước ngoài bị bắt lỗi vì thiếu thực tiễn VN

Chuyên gia tư vấn "đầy tâm trạng" sau phản biện

Đèn đã tắt hết, cửa đã đóng. Ông Terlier Herve, một chuyên gia tư vấn chính sách quốc tế có hơn 20 năm kinh nghiệm vẫn ngồi nán lại đầy lặng lẽ trong hội trường Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Dường như ông vẫn "đầy tâm trạng" sau cuộc hội thảo phản biện báo cáo "Đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và tác động đối với Việt Nam" sáng 22/7. Toàn bộ thành viên chuyên gia trong nước được mời tới đã lần lượt bắt lỗi báo cáo do ông thực hiện.

Chỉ trước đó thôi, ông Herve đầy tự tin trình bày bản báo cáo nhan đề “Đầu tư trực tiếp nước ngoài và tác động đối với Việt Nam”. Bản báo cáo với nội dung quan trọng này dự kiến sẽ được trình lên Chính phủ vào thời điểm khi nền kinh tế đang gặp khó khăn của Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn FDI khổng lồ tới 31,6 tỉ USD chỉ trong sáu tháng đầu năm.

Vị chuyên gia này đã thắng 400 chuyên gia tư vấn quốc tế khác trong cuộc đua nhằm tham gia vào một dự án trị giá hơn 830 ngàn USD do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ cho Việt Nam. Với kinh nghiệm tư vấn quốc tế, chuyên gia này được báo cáo là nhận mức lương tới 650 USD/ngày để chuẩn bị bản báo cáo trên.

Báo cáo phù hợp cho 15 năm trước

Bà Mai Thu, Cục phó Cục Đầu tư Nước ngoài lùi giá trị thời hạn sử dụng báo cáo này về 15 năm trước. Dẫn nhận định về vai trò của FDI, bà Thu nói: "Việt Nam không còn ở thời điểm tìm hiểu FDI, thu hút FDI bằng mọi giá. Vấn đề sống còn là hấp thụ dòng vốn này ra sao, nên lựa chọn, sử dụng loại FDI như thế nào".

Cho rằng "tác giả đã đứng từ bên ngoài Việt Nam nhìn vào môi trường FDI mà thiếu hẳn sự điều tra, quan sát từ bên trong", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: "Tác giả không có được cái nhìn sâu, rộng, toàn diện về các vấn đề đối với FDI mà Việt Nam đang phải đối mặt".

Chuyên gia về pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang "cảm thấy bị thiếu tôn trọng" khi cho rằng báo cáo đã "chép" nguyên nội dung của một cuộc hội thảo ở Paris năm 2005.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh không đồng tình với tác giả khi đưa nhận định FDI là nhân tố quan trọng nhất cho phát triển kinh tế.

Ý kiến của Tiến sĩ Doanh được bà Chi Lan đồng tình khi xác nhận ở Việt Nam cũng như Trung Quốc, FDI có vai trò quan trọng nhưng chính sách phát triển đối với nguồn lực trong nước mới là quan trọng nhất.

"90% công ăn việc làm ở Việt Nam do đầu tư trong nước tạo ra", bà Chi Lan nói.

Tư vấn nước ngoài không thể thiếu chuyên gia Việt Nam

Thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm gây tranh cãi xung quanh báo cáo, các chuyên gia trong nước thừa nhận hạn chế lớn nhất của tác giả là thiếu thông tin, cập nhật thực tiễn về tình hình Việt Nam.

Ông Đinh Văn Ân, Giám đốc dự án thực hiện báo cáo cho rằng tác giả đã gặp phải những "khoảng cách" nhất định như ngôn ngữ khác biệt trong tiếp cận thực tiễn về Việt Nam.

Hơn nữa, theo ông Ân, "cơ chế để các chuyên gia quốc tế độc lập khảo sát, viết báo cáo sẽ khó cho họ khi nền tảng, thế mạnh của họ chỉ là kinh nghiệm chuyên môn quốc tế mà không có cơ sở quan trọng, nhất là thực tiễn của Việt Nam".

Cả ông Ân và bà Chi Lan cùng luyến tiếc thời kỳ trước, khi các báo cáo tư vấn chính sách có hạt nhân nòng cốt là các chuyên gia trong nước.

"Chuyên gia nước ngoài đóng góp ý kiến thì báo cáo sẽ tốt hơn, chất lượng hơn. Nhưng nếu để họ ngồi viết về Việt Nam sẽ chẳng khác nào như trên mây", bà Chi Lan nói.

Ông Ân kể: "Kết quả báo cáo trước đây thường thông qua chúng tôi, chứ không phải để chuyên gia nước ngoài làm. Chúng tôi soạn báo cáo, khảo sát kinh nghiệm thực tế và chuyên gia nước ngoài bổ sung, tư vấn kinh nghiệm quốc tế cho chúng tôi."

Chuyên gia Terlier Herve rất lắng nghe và cần mẫn ghi lại tất cả ý kiến. Do không còn thời gian phản hồi tại hội thảo nên ông được hứa sẽ có một buổi ngồi lại với các chuyên gia Việt Nam để thảo luận sâu hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Terlier Herve trần tình: "Tôi không thể là người cung cấp thông tin về tình hình Việt Nam. Tôi nghĩ các bạn không nên để các chuyên gia quốc tế làm việc một mình. Kể cả tôi biết về Việt Nam thì cũng không thể biết sâu được. Do đó sẽ không thể thỏa mãn được sự kỳ vọng".

Không ngại việc chỉnh sửa, bổ sung báo cáo, ông Terlier Herve cho rằng kết quả sẽ tốt hơn nếu có cơ chế phối hợp, cùng thực hiện, khảo sát báo cáo giữa các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam.

<P>Theo Xuân Linh (VNN)</P>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm