Thời gian gần đây, hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức đề xuất miễn đóng phí công đoàn ít nhất trong hai năm 2020 và 2021. Qua đó, DN có thể giảm bớt chi phí để chăm lo tốt hơn cho người lao động (NLĐ).
Nhiều DN mong muốn dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động. Trong ảnh: Công nhân tại một công ty dệt may ở TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đè nặng lên DN, NLĐ
Theo quy định của Luật Công đoàn, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, DN trích nộp là 2% quỹ tiền lương đơn vị. NLĐ đóng tiền đoàn phí công đoàn là 1% tiền lương. Các DN cho biết khoản phí công đoàn không hề nhỏ đối với DN, nhất là trong tình hình kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết theo tính toán của hiệp hội, ngành chế biến thủy sản sử dụng rất nhiều lao động, do vậy ngay cả các DN nhỏ và vừa cũng phải đóng khoảng 2 tỉ đồng/năm cho khoản phí công đoàn. Một số công ty lớn khoản phí phải đóng lên đến hàng chục tỉ đồng, thậm chí có công ty hiện phải đóng hơn 20 tỉ đồng/năm phí công đoàn.
“Không chỉ là gánh nặng với DN, khoản phí này còn nghịch lý ở chỗ DN càng tạo nhiều công ăn việc làm càng phải nộp phí cao. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của DN do dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành các gói chính sách hỗ trợ kinh tế như giảm thuế, phí, lãi vay thì kinh phí công đoàn vẫn đang đè nặng lên DN và NLĐ” - ông Hòe nói.
Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 nhưng các DN ngành này vẫn phải đóng đều phí công đoàn. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho hay phí công đoàn chiếm tới 2% quỹ lương của DN nhưng không được giảm đồng nào.
Ông Mỹ bức xúc: “Dù kinh doanh thua lỗ cũng phải đóng phí công đoàn, khoản phí này cũng chẳng khác gì một khoản thuế cố định bắt buộc DN phải đóng hằng năm. Theo tôi, trong lúc DN gặp khó thì cần miễn đóng khoản phí này. Làm như vậy Nhà nước mới thực sự là đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN và NLĐ”.
Đồng quan điểm, đại diện nhiều công ty khác cũng khẳng định nếu không có quy định phải nộp khoản 2% phí công đoàn, quỹ lương của họ sẽ có phần kinh phí này và dĩ nhiên lương của NLĐ có cơ hội được cộng thêm ít nhiều.
Đặc biệt, mới đây tám hiệp hội ngành hàng đồng loạt kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các bộ, ngành về việc miễn, giảm kinh phí công đoàn trong bối cảnh gặp khó khăn vì dịch bệnh. Đó là các hiệp hội dệt may, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lương thực - thực phẩm, chè, da giày, túi xách, điện tử cùng Hiệp hội DN Hàn Quốc, DN Nhật Bản tại Việt Nam.
Các hiệp hội đề nghị giảm phí công đoàn xuống còn tối đa 1% thay vì 2% như hiện hành và dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho NLĐ.
Lý giải về đề xuất này, các hiệp hội cho rằng thông qua phí công đoàn, DN đang chịu thuế hai lần khi họ đã gián tiếp đóng kinh phí công đoàn thông qua ngân sách khi đóng thuế. Việc trích nộp thêm 2% kinh phí công đoàn đồng nghĩa đóng thêm 2% thuế trên quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của DN…
Miễn là hợp tình, hợp lý
Trong dự thảo đề xuất gói kích thích kinh tế lần hai vừa gửi các cơ quan chức năng, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất cho NLĐ được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng. Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng kiến nghị miễn đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021.
“Đây là kiến nghị xuất phát từ các hiệp hội và DN trong nhiều tháng qua. Chính sách này nếu được ban hành sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho DN cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính” - cơ quan trên nêu trong bản kiến nghị.
Nhiều DN đồng tình với đề xuất này. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng Chính phủ đã quyết định miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí để hỗ trợ DN vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì phí công đoàn cũng phải miễn, giảm. “Miễn đóng phí công đoàn trong năm 2020, 2021 là hợp lý, để DN có thể giảm bớt chi phí gánh nặng để chăm lo tốt hơn cho NLĐ” - ông Hưng nhấn mạnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết đã nắm được đề xuất của các hiệp hội DN. Tuy nhiên, ông Quảng cho hay quan điểm của tổng liên đoàn là vẫn muốn giữ lại quy định với mức đóng kinh phí công đoàn là 2% quỹ tiền lương để các cấp công đoàn hoạt động và chăm lo tốt hơn cho NLĐ.
Còn về vấn đề trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến DN và NLĐ gặp khó khăn, ông Quảng cho biết tổng liên đoàn đã có thông báo tạm hoãn thu khoản phí công đoàn đối với những DN gặp khó khăn. “Vì theo luật phải thu 2% nên tổng liên đoàn chỉ thông báo tạm hoãn thu khoản phí công đoàn. Nghĩa là DN chậm nộp một thời gian, sau đó vẫn phải đóng đủ khoản phí này” - ông Quảng nói.•
Cần phân bổ lại phí công đoàn Mới đây, trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, nhiều hiệp hội cho rằng mức phân bổ phí công đoàn hiện không hợp lý. Hiện tại kinh phí công đoàn được phân bổ 69% tổng số thu do công đoàn cơ sở tại DN sử dụng, 31% tổng số thu nộp công đoàn cấp trên. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy đang tồn tại một số vấn đề. Đó là nhu cầu chi ở cấp cơ sở tại DN cao, kinh phí chưa đủ đáp ứng, mức 69% là không đủ. Công đoàn cấp dưới bị hạn chế các khoản chi chăm lo trực tiếp cho NLĐ. Trong khi đó, các cơ quan công đoàn cấp trên nhu cầu sử dụng thấp, dẫn đến thừa nguồn, tăng tích lũy cuối kỳ. “Việc tăng trưởng mạnh của quỹ công đoàn theo mức thu 2% kinh phí công đoàn, các cấp công đoàn đã không sử dụng hết số tiền thu được” - báo cáo kiểm toán đánh giá. Trả lời Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng cho biết tổng liên đoàn đã có đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ điều chỉnh lại mức phân bổ này. Cụ thể, sẽ phân bổ 75% tổng số thu kinh phí công đoàn do công đoàn cơ sở tại DN sử dụng, chỉ nộp 25% tổng số thu kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên. |