Vào EVFTA: Phải chủ động được nguyên liệu

Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều ngành hàng tại Việt Nam (VN) phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc (TQ) lao đao vì cạn nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Việc thiếu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang là một điển hình.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) có thể là cơ hội để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu từ TQ.

Đón bắt cơ hội

Trong khi giới phân tích vẫn đang tranh luận về việc ngành dệt may VN sẽ nhận được những lợi ích và gặp các thách thức nào dưới tác động EVFTA thì ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, tỏ ra thoải mái trong sân chơi mới. “Trong cuộc chơi này, không phải mọi công ty đều bình đẳng và được hưởng lợi. Ai chuẩn bị đúng và sớm mới nắm bắt được lợi ích” - ông Hòa nói.

Điều ông Hòa nói là có cơ sở. Nhìn thấy trước lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, không chỉ với EVFTA nên Sợi Thế Kỷ đã đầu tư mạnh mẽ các nhà máy sản xuất sợi. Đơn giản là trong cơ cấu ngành dệt may, sợi là nguyên liệu đầu vào đầu tiên cho đến khi một thành phẩm ra đời.

Kết quả là tỉ lệ bán hàng nội địa của công ty tăng lên. Lý do là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các công ty trong nước chuyển hướng mua hàng của Sợi Thế Kỷ để tận dụng ưu đãi thuế. “Ví dụ, khi hiệp định thương mại tự do được ký kết với Hàn Quốc, mức thuế suất giảm từ 8% xuống 0% cho ngành hàng sợi thì các đơn hàng với phía Hàn Quốc đã gia tăng nhanh chóng” - ông Hòa nói. Tuy vậy, ông Hòa cho hay việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất sợi không đơn giản, nhất là về vốn. Ví dụ, muốn đầu tư một dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp phải chi hơn 30 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp Việt khác cũng nhìn thấy sự hấp dẫn của việc tự chủ được nguồn nguyên liệu. Điển hình là Công ty May Thành Công (TCM) đã đầu tư mạnh mẽ cho các nhà máy dệt, nhuộm, vốn là nút thắt cổ chai của ngành dệt may VN. Nhờ vào nền tảng này, ban lãnh đạo TCM kỳ vọng mở rộng hơn nữa thị phần châu Âu cũng như cung cấp nguyên liệu “Made in Vietnam” cho các doanh nghiệp dệt may khác.

Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp tự chủ được nguyên vật liệu để hưởng nguyên tắc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do nhằm hưởng trọn vẹn lợi ích. Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết quy tắc xuất xứ trong EVFTA đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may của VN. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp VN vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt, chứ chưa sản xuất vải và sợi.

Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đến 60% từ máy móc, nguyên vật liệu đến phụ kiện. Chẳng hạn, hiện nay hơn 60% vải nhập khẩu vào VN là từ TQ và Đài Loan. Điều này khiến các công ty trong nước gặp trở ngại trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Thời gian qua, ngành may mặc và rất nhiều ngành khác gặp không ít khó khăn vì phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khó cũng phải làm

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019 nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da, giày đạt giá trị 5,8 tỉ USD. Trong đó, nhập khẩu từ TQ đạt hơn 2,4 tỉ USD, tăng 11,93% so với năm trước đó. Như vậy, thị trường nhập khẩu TQ đã chiếm hơn một nửa nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đại diện một công ty dệt may thừa nhận việc phải nhập khẩu 70% vải và nguyên phụ liệu các loại từ TQ nên khi nguồn cung bị đình trệ khiến doanh nghiệp đau đầu.

Một trong những nội dung quan trọng của hiệp định EVFTA là yêu cầu các doanh nghiệp phải tự chủ nguyên liệu để đảm bảo nguyên tắc xuất xứ theo quy định. “Đây là một trong những cách ràng buộc để doanh nghiệp Việt thoát phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu TQ, nhằm hưởng trọn các ưu đãi từ thị trường EU” - một chuyên gia phân tích.

Vị chuyên gia trên cũng cho rằng dịch COVID-19 cũng là bài học và cơ hội để VN tìm ra những nguồn cung cấp nguyên vật liệu mới. Qua đó để tránh tình trạng khi TQ “hắt hơi”, hàng loạt ngành của VN như da, giày, dệt may, túi xách… “sổ mũi”. Thực tế, thời gian gần đây nhiều công ty đang tìm cách nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Brazil để tránh phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu rất lớn từ TQ.

“Đặc biệt, hiệp định thương mại tự do với EU là cơ hội để VN tăng khối lượng trao đổi mậu dịch, tránh phụ thuộc vào TQ, dù đây không phải là chuyện dễ làm trong một sớm một chiều. Không dễ làm nhưng nếu không làm thì các công ty Việt sẽ chịu thiệt” - vị chuyên gia nhấn mạnh.

TS Trần Hoàng Ngân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế VN theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp VN trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, VN có nhiều cơ hội đón được sự đầu tư các công nghệ tiên tiến của châu Âu. Đó chính là điều VN cần nắm bắt tốt nhất hiện nay.

“Dịch COVID-19 đã đưa ra bài học cho các doanh nghiệp đang lệ thuộc nguyên vật liệu từ TQ. Đó là nhân lúc này, cần tìm những nguồn cung khác để có thể tự chủ sản xuất trong nhiều tình huống. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt có sản phẩm tương đồng với công ty TQ có thể bung ra tìm thị trường mới, lấp vào chỗ trống trong chuỗi cung ứng sản phẩm mà doanh nghiệp nước này để lại do không thể duy trì sản xuất vì dịch” - ông Ngân khuyến nghị.

Tháo điểm nghẽn để hưởng lợi

Riêng trong năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu da, giày tại thị trường châu Âu đạt hơn 5 tỉ USD. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách VN, cho biết hiệp định mở ra nhiều cơ hội để tăng xuất khẩu vào thị trường EU và nhiều doanh nghiệp đã nâng cấp công nghệ, đầu tư mạnh cho thiết kế. Tuy vậy, ngành này vẫn còn điểm nghẽn là phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên phụ liệu khá nhiều (gần 80%), mà tỉ trọng nhập khẩu từ TQ là chủ yếu.

Công ty Chứng khoán SSI cũng cho hay để đạt được lợi ích trong dài hạn khi EVFTA có hiệu lực, các công ty trong nước phải nỗ lực để tăng tỉ lệ sử dụng vải trong nước. Có điều việc sản xuất vải trong nước luôn luôn là một nút thắt trong ngành vì nhiều lý do, bao gồm tác động tiêu cực của việc sản xuất vải đến môi trường.

Tiếp cận công nghệ tiên tiến châu Âu

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, dù ngành gỗ Việt không phụ thuộc vào nguyên liệu nhưng EVFTA chính là cơ hội cho các doanh nghiệp được tiếp cận công nghệ châu Âu. Cụ thể là mua các máy móc hiện đại để cải thiện năng lực cạnh tranh của mình, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm