Vi phạm vật tư y tế 'rộ' ở TP.HCM trong năm 2021

Sáng 31-12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM tổ chức tổng kết công tác QLTT năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP cho biết, trong năm 2021 đơn vị đã kiểm tra 1.977 vụ, xử lý thu nộp ngân sách trên 29 tỉ đồng; 25 vụ lập hồ sơ chuyển Cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự, trị giá tang vật vi phạm khoảng 30 tỉ đồng.

Theo ông Đạt, một số mặt hàng vi phạm nổi cộm là hàng hóa nhập lậu như quần áo, mỹ phẩm, thiết bị điện tử, xử lý 496 trường hợp kinh doanh gần 1.600 đơn vị sản phẩm với số tiền hơn 14 tỉ đồng.

Về lĩnh vực y tế, Đội QLTT đã kiểm tra mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, sát khuẩn găng tay phục vụ công tác phòng chống dịch, xử lý 46 vụ phạt tiền khoảng 1,2 tỉ đồng.

vat-tu-y-te-gia

Tháng 8-2021, QLTT TP phát hiện lô vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Đánh giá năm 2021, ông Đạt nói thêm: “Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm. Vi phạm chủ yếu tập trung vào các sản phẩm phòng, chống vật tư y tế, thuốc (kể cả thuốc chưa được lưu hành do nhu cầu tăng cao của người dân. Năm 2022 dự báo tình hình trên có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp”.

Bà Nguyễn Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, tích cực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ được giao của Cục QLTT trong năm 2021.

vat-tu-y-te-gia-1

Lãnh đạo TP.HCM trao bằng khen thưởng cho các cá nhân. Ảnh: THU TRINH.

Theo bà Thắng, để thực hiện chương trình bình ổn thị trường, không để tăng giá đột biến và đảm bảo mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, Cục QLTT cần thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. 

Bà Thắng lưu ý, Cục QLTT nên chủ động phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, TP Thủ Đức, quận, huyện trong công tác đấu tranh buôn lậu, chống hàng giả. Trước mắt là thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra cao điểm trong dịp tết 2022.

Đặc biệt, Cục QLTT kiểm soát các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, thuế suất cao, mặt hàng tiêu dùng và thiết bị y tế (đồ bảo hộ, các loại thuốc…).

“Đối với các vướng mắc về xử lý tài sản, hàng hóa là tang vật trong các vụ việc đã chuyển Cơ quan CSĐT theo quy định pháp luật, vụ việc kéo dài nhưng tang vật tạm giữ bị tồn động tại kho kéo dài, tôi đề nghị Cục QLTT phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND TP kiến nghị TƯ để kịp thời tháo gỡ” - bà Thắng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm