Vì sao trái Kiwi nổi tiếng, được cả thế giới biết đến?

Ngày 26-4, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, bảo vệ thương hiệu và các tài sản số trong nền kinh tế số.

Theo T.S Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch hiệp hội Thực phẩm minh bạch, kinh nghiệm từ các nước cho thấy cần xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm nông nghiệp mang tầm quốc gia, mang nguồn gốc Việt. Bởi sản phẩm nông nghiệp là do cả một cộng đồng nhiều người cùng sản xuất, thương mại, chia sẻ lợi ích.

Thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp cần được bảo vệ, gìn giữ, gia tăng giá trị bởi cộng đồng đó thông qua các mô hình tổ chức cộng đồng, có thể với những tên gọi khác nhau.

Ví dụ Kiwi Zespri của NewZealand trước đây cũng mạnh ai nấy làm giống như nông sản Việt Nam được mùa mất giá, được giá mất mùa. Sau đó, cả cộng đồng gồm người trồng, thương mại,…ngồi lại với nhau xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, qui tắc ứng xử nội bộ, thương hiệu và quĩ phát triển thị trường cho trái kiwi là Zespri.

Nhờ nỗ lực của cả cộng đồng xây dựng giá trị, thương hiệu Zespri của trái kiwi được người tiêu dùng thế giới biết đến, tin cậy và tiêu thụ.

Tương tự, người Nhật quen tiêu dùng cá hồi đánh bắt trên biển, không quen sử dụng cá hồi nuôi. Nhưng Na Uy thành lập tổ chức cộng đồng cùng đóng góp nguồn lực làm thương hiệu, xây dựng uy tín, marketing cho thương hiệu… thì người Nhật đã tiêu thụ cá hồi nuôi của Na Uy. 

Việt Nam có nhiều nông sản nổi tiếng nhưng không có thương hiệu nào để thị trường có thể  biết đến. 

Cá tra được chế biến thành các món ăn để quảng bá đến người tiêu dùng trong nước. Ảnh: Trần Quỳnh.

Theo bà Minh, nhiều nông sản nổi tiếng của các nước đều có quy tắc ứng xử nội bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật, có một thương hiệu đại diện cho họ tổ chức cộng đồng để xây dựng và gia tăng giá trị.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam có đặc thù khác, sản xuất nhỏ lẻ, tham gia thương mại cũng chủ yếu là DN nhỏ, đặc biệt với nông dân thì càng khó hơn. Giống như cá tra khi bán ra thế giới người tiêu dùng biết là của Việt Nam chứ không biết đó là của An Giang, Đồng Tháp…

Nông sản có đặc thù riêng so với thương hiệu của DN nên cần phải được tổ chức và có sự kết nối của cả cộng đồng. Để xây dựng thương hiệu nông sản cần có chủ trương đúng từ cơ quan nhà nước, có sự hỗ trợ ban đầu để giúp tổ chức các cộng đồng cùng tham gia vào một sản phẩm;hỗ trợ xây dựng nền tảng số hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

“Việt Nam có nhiều nông sản nổi tiếng nhưng mạnh ai nấy làm, cuối cùng không có thương hiệu nào thị trường có thể biết đến. Việc xây dựng thương hiệu chung và lớn hơn là các giá trị chung cần nổ lực của các hiệp hội. Chính phủ cần coi đây là vấn đề quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững” bà Minh nói.

Cùng nhìn nhận trên, TS.Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh thanh tra, Bộ Khoa học& Công nghệ cho biết, Việt Nam rất ý thức về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp. Và đúng là hiện nay nông sản Việt khi xuất khẩu ra nước ngoài thương hiệu là một trong những vấn đề đang rất yếu, đang cần sự nổ lực của các chủ thể, cộng đồng.

DN vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng khoảng 5,5 triệu USD.

Triển khai từ năm 2018, Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID Link SME) đã đánh giá năng lực cung ứng sơ bộ của 153 DN nhỏ và vừa ở tất cả các lĩnh vực trên, hỗ trợ kết nối với các DN đầu chuỗi với tổng giá trị đơn hàng trị giá khoảng 5,5 triệu USD.

USAID Link SME cho biết, qua hội thảo sẽ lựa chọn DN nhỏ và vừa để triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, giúp xây dựng định vị thương hiệu…tăng cơ hội tiếp cận thị trường cho DN.

Tiêu chí để chọn lựa là DN sản xuất có cơ sở vật chất, máy móc, nhà xưởng; có khả năng cung ứng sản phẩm theo yêu cầu của các DN đầu chuỗi đang hợp tác với dự án như may mặc, nội thất, nhựa, chế biến nông sản…Người Việt sở hữu hơn 50% vốn; tổng số lao động toàn thời gian dưới 500 người.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm