Theo Ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính giao Bộ là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành thực hiện. Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
Qua gần 17 năm, chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp (DN) cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ba năm trở lại đây thứ hạng Thương hiệu quốc gia Việt Nam nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Kết quả này là nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ trong đó có sự đóng góp của chương trình Thương hiệu quốc gia.
Năm 2020 có 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Ảnh: TRÚC GIANG
Theo đánh giá của tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD và xếp vị trí 42 trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019.
Năm 2020 thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm ngoái và Việt Nam lên vị trí 33 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho biết, do ảnh hưởng từ COVID- 19, trung bình 10 nước có giá trị thương hiệu hàng đầu thế giới đều bị sụt giảm, một số quốc gia trong khu vực như cũng đều bị tụt hạng. Do đó, đây là bệ phóng để tăng hạng cho sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới.
Chương trình Thương hiệu quốc gia lần bảy năm 2020 có 124 DN với tổng số 283 sản phẩm được công nhận đạt thương hiệu quốc gia.
Theo số liệu báo cáo tổng doanh thu năm 2019 của các DN này đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu xuất khẩu đạt hơn 137 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 200 ngàn tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 471 ngàn lao động, nộp bảo hiểm xã hội trên 20 ngàn tỷ đồng…
Đặc biệt, trong dịch COVID-19 bùng phát, đa số các DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia chung tay cùng cộng đồng với tiền, hiện vật quyên góp hơn 80 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, qua chương trình Thương hiệu quốc gia Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phổ biến rộng rãi đến DN ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam cũng như tại thị trường nước ngoài với thương hiệu ngành hàng Foods of Vietnam…
Việc xây dựng Thương hiệu quốc gia là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia, còn năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện cần thiết để các ngành, các DN và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.