Kon Tum: 161 cây gỗ trắc quý hiếm chết khô nhưng không thể khai thác

(PLO)- Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy xin ý kiến các sở ngành để xử lý các cây gỗ trắc khô quý hiếm nhưng không thể khai thác do vướng quy định rừng đặc dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, trao đổi với PLO về việc 161 cây gỗ trắc quý hiếm bị chết nhưng không được khai thác, ông Lê Ngọc Bảo, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, cho biết do vướng quy định liên quan đến rừng đặc dụng nên không xử lý được, gỗ vẫn còn nằm yên trong rừng đặc dụng.

Theo ông Bảo, trước đây, lãnh đạo cũ của ban quản lý cũng đã có văn bản gửi sở NN&PTNT xin ý kiến về vấn đề này. Sau đó, Sở có văn bản hỏi Tổng cục Lâm nghiệp và được trả lời hướng xử lý là không được tác động, làm thay đổi cảnh quan, môi trường rừng đặc dụng.

Gỗ trắc chết do ngã đổ

Gỗ trắc chết do ngã đổ.

“Do đây là rừng đặc dụng nên nghiêm cấm mọi tác động đến rừng, nếu kéo ra thì sẽ ảnh hưởng đến rừng nên vẫn giữ nguyên hiện trạng. Liên quan đến rừng đặc dụng thì phải xin ý kiến của Bộ, Thủ tướng” - ông Bảo nói.

Theo Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, hiện trên lâm phần có 61 cây trắc chết đứng, bị ngã đổ và 100 gốc trắc cũ (đã chết từ lâu). Việc cắt cử cán bộ canh giữ từng cây trắc ngã đổ, cây trắc bị chết khô thường xuyên, dẫn đến không đủ người, đủ sức để thực hiện nhiệm vụ.

Chính vì vậy, ban quản lý đã có văn bản xin chủ trương cắt dọn, thu gom toàn bộ số cây trắc bị chết này đưa về kho quản lý, bảo quản, tránh tình trạng mất mát, thất thoát tài sản của nhà nước. Đồng thời, giảm bớt kinh phí cắt cử, phân công cán bộ trông coi, canh gác hàng năm.

Một cây gỗ trắc chết khô

Một cây gỗ trắc chết khô.

Được biết, rừng đặc dụng Đắk Uy rộng hơn 500 ha ở huyện Đắk Hà. Đây là khu rừng có nhiều loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam như trắc, giáng hương.... Để bảo vệ tốt khu rừng, ban quản lý đã xây tường rào cao, dài 5 km bao quanh và dựng 26 lán trại bảo vệ.

Trong đó, có quần thể trắc lớn nhất và quý hiếm nhất Việt Nam với hơn 3.500 cây, nhiều cây trên 100 tuổi. Trắc thuộc nhóm IIA, là loài cây gỗ quý hiếm. Trên thị trường hiện nay, gỗ trắc được mua bằng kg (từ 100 đến 800 nghìn đồng/kg).

Để tránh bị cắt trộm, đơn vị quản lý dùng tôn bao quanh gốc.

Để tránh bị cắt trộm, đơn vị quản lý dùng tôn bao quanh gốc.

Theo Luật Lâm nghiệp 2017, không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng, nên chủ rừng không thể di chuyển, hoặc thu gom số gỗ trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm