Ngày 27-10, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề cập đến vụ án “buôn lậu gỗ trắc” xảy ra cách đây 10 năm ở Quảng Trị. Ông kiến nghị Quốc hội (QH) và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý dứt điểm.
"Hồ sơ nhập khẩu là giả"
Tại phiên thảo luận về các báo cáo tư pháp ngày 8-11, các ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa), Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị các cơ quan tư pháp báo cáo rõ với QH về vụ án buôn lậu do bị cáo Trương Huy Liệu và đồng phạm thực hiện.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cuối giờ chiều 8-11 khi tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH đã dành phần lớn thời gian thông tin về vụ án này trên cơ sở hồ sơ của cơ quan điều tra Bộ Công an, VKSND Tối cao và kết quả xét xử.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: QH |
Theo ông, vụ việc này cơ quan điều tra Bộ Công an đã điều tra rất lâu và chuyển hồ sơ cho VKSND Tối cao. VKSND Tối cao đồng tình với quan điểm của Bộ Công an và truy tố toàn bộ lô hàng hơn 500 m3 gỗ mà Công ty Ngọc Hưng nhập về là buôn lậu.
Lý do, Chánh án thông tin hồ sơ nhập khẩu của lô hàng nói trên là giả, công ty bán gỗ bên Lào không có thật, chữ ký giả, vận đơn giả, ba giấy kiểm dịch thực vật thì được phía Lào cấp cho Công ty Tâm Tâm ở Đông Hà và Công ty 407 ở Vinh, không phải cấp cho công ty này, việc thanh toán cũng là giả.
Theo Chánh án, hai cấp xét xử đã kết luận việc buôn bán chỉ một phần số lô hàng vì có 535 m3 gỗ có khai báo. Không đồng tình với bản án, VKSND Tối cao kháng nghị tăng nặng hình phạt vì buôn lậu toàn lô chứ không phải buôn lậu 78 m3 gỗ.
Về việc kêu oan của Công ty Ngọc Hưng và ông Trương Huy Liệu, Chánh án thông tin lý do là Công ty Ngọc Hưng và ông Liệu cho rằng cơ quan giám định là một viện của Bộ NN&PTNT ở TP Đà Nẵng không đủ tư cách pháp nhân và không đúng phương pháp.
Theo Chánh án, Công ty Ngọc Hưng nói giám định là sai, thẩm quyền sai và phương pháp sai, Quảng Trị cũng nói sai. Nhưng những cơ quan sau đây thì khẳng định là đúng: Bộ Công an, VKSND Tối cao, Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp.
“Hiện có ý kiến khác nhau, xin Thường vụ QH kết luận về nội dung này trước khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm” - Chánh án phát biểu.
Cơ quan chức năng có một số sai phạm
Phát biểu giải trình, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho hay: Từ lúc ông làm viện trưởng ở QH khóa XIV ông đã nhận bảy văn bản chất vấn, trả lời chín lần. Đến nay, vụ án này đã tới giai đoạn phúc thẩm và đang có hiệu lực thi hành án.
Theo ông, hiện có hai vấn đề:
Quá trình điều tra, xác minh vụ án, các cơ quan chức năng có một số sai phạm; tuy nhiên đã được phát hiện, xử lý và đang xử lý theo quy định của pháp luật. “Những sai phạm này không làm thay đổi hành vi buôn lậu của các bị can, bị cáo” - ông Trí nói.
Vấn đề thứ hai là Ủy ban Tư pháp có ý kiến về pháp lý cũng như kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Cơ quan Kiểm lâm vùng 2. Theo đề nghị của Ủy ban Tư pháp, VKSND Tối cao ngày 3-11 đã có báo cáo về vụ án này. Các ý kiến của các cơ quan liên quan về tính pháp lý của cơ quan giám định đều viện dẫn các quy định của pháp luật. Ủy ban Tư pháp thì băn khoăn pháp lý ở chỗ khoản 4 Điều 100 BLHS 2015.
“Ở đây có xung đột về căn cứ pháp lý, pháp luật” - ông Trí nói và cho rằng hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa thống nhất trong việc áp dụng theo cách hiểu của vụ án hiện nay đang đặt ra.
Ủy ban Tư pháp có băn khoăn về việc coi kết quả giám định là chứng cứ quyết định. Cơ quan truy tố coi đó là một trong những chứng cứ buộc tội chứ không phải là chứng cứ quyết định vì còn có lời khai của tám tài xế liên quan đến hành vi buôn lậu gom gỗ từ Lào về làm hồ sơ giả; lời khai của ba đại diện của nhà máy chế biến gỗ của Lào và kết quả giám định hồ sơ, chữ ký, con dấu và sự mâu thuẫn trong ba giấy kiểm dịch thực vật. Đặc biệt là những lời khai của Trương Huy Liệu, Trần Thị Dung và ba bị can khác trong quá trình xét hỏi đã thừa nhận.
“Theo nguyên tắc án tại hồ sơ, Viện trưởng VKSND Tối cao thấy là chưa có cơ sở và căn cứ để kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm các bản án này” - ông Trí nói.
Vụ án phức tạp, nhiều ý kiến trái chiều
Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, vụ án này phức tạp, kéo dài nhiều năm, còn rất nhiều ý kiến khác nhau và Ủy ban Thường vụ QH đã giao cho Ủy ban Tư pháp giám sát.
Gần đây, Ủy ban Tư pháp đã có văn bản đề nghị VKSND Tối cao, TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. VKSND Tối cao chính thức có văn bản trả lời không có đủ cơ sở và căn cứ để giám đốc thẩm.
Kiến nghị lập ủy ban đánh giá lại vụ án
Có 5 phút phát biểu, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khẳng định lại bản chất lô gỗ là “tạm nhập tái xuất”, khi vào Việt Nam thì thực hiện đủ các thủ tục. Pháp luật quy định doanh nghiệp “tạm nhập tái xuất” thì hàng hóa đi đến biên giới. Còn cho rằng doanh nghiệp làm hồ sơ giả trên đất Lào là nơi thu gom hàng hóa để buộc tội doanh nghiệp cố tình làm giả hồ sơ để buôn lậu gỗ thì điều này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật.
Cả hai phiên tòa đều khẳng định là không có cơ sở cho rằng doanh nghiệp làm hồ sơ giả. Doanh nghiệp cũng không có động cơ buôn lậu.
“Có một điều rất quan trọng đó là vật chứng vụ án mà hai đồng chí (Viện trưởng và Chánh án Tối cao - PV) không nêu. 553 m3 gỗ theo tờ khai của doanh nghiệp đang trong quá trình điều tra thì các cơ quan tố tụng đã cho bán. Như vậy là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và đây chính là điểm chốt của vụ án” - ông Thắng nói.
Ông Thắng thông tin: “Khi chúng tôi yêu cầu thì Bộ Công an và cả VKS đều trả lời rằng việc bán vật chứng vụ án là đúng pháp luật. Sau khi chúng tôi yêu cầu nhiều lần thì Viện trưởng VKSND Tối cao mới thừa nhận việc bán vật chứng là vi phạm pháp luật và đã khởi tố vụ án. Nhưng đến hôm nay chưa khởi tố bị can và vụ án bán vật chứng vi phạm pháp luật cũng chưa được xử lý”.
Về giám định tư pháp, ông Thắng phân tích và cho rằng sai cả về hình thức lẫn nội dung nên đã làm cho bản chất vụ án đi theo một hướng khác, đó là căn cứ để kết luận các bị cáo và doanh nghiệp có hành vi buôn lậu.
“Tôi rất mong QH thành lập một ủy ban giám sát, nếu cần thì khởi động điều khoản trong Luật Tổ chức QH về Ủy ban lâm thời để giám sát, phân định, đánh giá lại vụ án này để chứng minh rằng việc phản ánh của ĐBQH, kiến nghị của cử tri là đúng hay sai, việc các cơ quan tố tụng làm như vậy là sai hay đúng, để có một trả lời chính thức về vấn đề này” - ĐB Thắng kiến nghị.
Diễn biến vụ án
Ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng nhập lô gỗ gần 614,7 m3 (gỗ trắc và gỗ giáng hương) từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo được làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt để xuất sang Trung Quốc. Khi vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) thì bị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện, khởi tố vụ án.
Văn phòng Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an đã khởi tố các bị can có liên quan. Trong quá trình điều tra vụ án, C44 đã bán đấu giá lô gỗ vật chứng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26-7-2019, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã phạt bị cáo Trương Huy Liệu (cựu phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) bảy năm tù và vợ là Trần Thị Dung (cựu giám đốc Công ty Ngọc Hưng) ba năm tù cho hưởng án treo, cùng về tội buôn lậu; hai bị cáo là cựu cán bộ hải quan mỗi người chín tháng tù cho hưởng án treo, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX nhận định rằng chưa đủ căn cứ kết luận các bị cáo Liệu, Dung làm giả hồ sơ hải quan để xuất khẩu, nhập khẩu gần 614,7 m3 gỗ trắc và gỗ giáng hương. HĐXX chỉ có đủ cơ sở kết luận khi nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ này, bị cáo Liệu đã không khai báo 78,8 m3. Số tiền hơn 59,6 tỉ đồng HĐXX tuyên chuyển cho Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý vi phạm hành chính.
LÊ PHI