Mổ xẻ thất bại của U-22 Việt Nam:

Kỳ 2: Vì sao HLV nào ngồi vào cũng bị phá?

Tại các kỳ SEA Games và AFF Cup trước, dưới thời những HLV nội như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, lực lượng đội tuyển và U-23 Việt Nam đều rất mạnh nhưng thành tích thì lại đi ngược với những gì mong đợi.

Chiếc ghế HLV và việc mất đoàn kết ở bộ máy điều hành

Sau thất bại, các HLV trên hoặc từ chức hoặc bị sa thải đều có chung một tâm sự là lực lượng thì mạnh và ổn nhưng khi bước vào thi đấu thì nội bộ lủng củng kiểu quân anh, quân tôi. Rồi những va đập không đáng có khiến đội tuyển không thể phát huy hết tiềm lực của mình.

Sau này nhiều người trách cứ các HLV như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc là không chịu tìm hiểu về nội bộ tổ chức VFF và các mối quan hệ, cứ cắm đầu vào như thiêu thân nên “gãy” là phải.

Bóng đá Việt Nam đã biết bao cuộc mổ xẻ thất bại nhưng phần lớn chỉ là hớt ngọn chứ không đào sâu gốc rễ.

Chuyện thầy nội đấy, VFF từng bắn tiếng với HLV Lê Huỳnh Đức ở SHB Đà Nẵng, nhưng HLV này nói thẳng rằng chiếc ghế đấy không an toàn và HLV nội nào chui vào cũng “chết” bởi ở đấy chằng chịt những mối quan hệ và HLV có khi cũng chỉ là quân cờ của ông này, ông nọ… Đó là lý do vì sao nhiều lần được mời nhưng Lê Huỳnh Đức đều thẳng thừng từ chối và chỉ muốn an phận ở SHB Đà Nẵng.

Ngay cả việc HLV Hoàng Anh Tuấn trong lần được đề cử vào làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia trước thời Toshiya Miura thì đã bị chính một lãnh đạo cấp cao ở VFF hạch hỏi “Thằng đó là thằng nào!”. Sau đó thì HLV này bị gạt thẳng.

Sau này kể cả khi thành công với lứa U-20 dự World Cup và được xem là “hot boy” trong làng HLV thì HLV Hoàng Anh Tuấn cũng bị người nhà VFF ra sức chống đối. Đó cũng là lý do khiến một thành viên trong thường trực VFF đã khẳng định: “Hoàng Anh Tuấn hay HLV nội nào ngồi vào cũng bị phá!”.

Câu nói trên có thể không đúng toàn diện nhưng cho thấy việc mất đoàn kết và bất đồng không nhỏ trong bộ máy tổ chức ở VFF. Đó là lý do ứng xử ở VFF trong chiến lược đoạt HCV SEA Games 29 lệ thuộc vào người “mạnh”, người được dư luận ủng hộ chứ không dựa vào chuyên môn và vào cái nền V-League như các quốc gia đã làm.

Ở VFF có rất nhiều ban như Ban chuyên môn, Ban các đội tuyển, Ban bóng đá chuyên nghiệp, Hội đồng HLV quốc gia… nhưng khi hỏi các ban này tham mưu gì cho đội tuyển và các đội trẻ thì ai cũng lắc đầu chỉ vào ông Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn một mình ôm 17 chức danh.

Cũng cần biết là nhiều cái ghế được dựng lên chỉ là “ngồi đấy, có chức và không có ý kiến gì”. Bằng chứng là nhiều vị mang tiếng là đầy kinh nghiệm và “tai to mặt lớn” nhưng không dám hó hé bởi con cháu các ông được đưa vào làm việc ở VFF nên nếu không thuận hay có ý kiến trái chiều là cả bố lẫn con đều mất việc.

Những sai phạm từ nóc và đội tuyển lẫn U-22 phải sống trong vỏ bọc

VFF nhiệm kỳ VII bị chính ủy viên của mình chỉ ra là công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên.

Ở VFF có gần 20 ủy viên nhưng khi họp Ban chấp hành thì chính Ủy viên Nguyễn Hồng Thanh (SL Nghệ An) đã chỉ ra hàng loạt những sai trái, những quyết định vượt quyền, không tôn trọng điều lệ VFF. Ông Thanh lên án VFF đang bị biến thành “Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên” và  chỉ thẳng việc gì cũng chỉ có Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn quyết tất tần tật. Ông Thanh cũng chỉ ra những sai trái, vi phạm điều lệ của FIFA như việc Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ra quyết định cho cấp dưới của mình làm Phó Chủ tịch trực là chuyện chỉ có ở bóng đá Việt Nam dám “nâng cấp” phó chủ tịch chuyên trách lên phó chủ tịch trực và quyết thay hết phần việc của chủ tịch khi không có mặt ở Hà Nội (!?).

Bộ máy của VFF nhiệm kỳ VII mang tiếng là nhiệm kỳ đầu tiên trao cho doanh nghiệp làm bóng đá nhưng lại sai và vi phạm ngay từ đầu mà đến cơ quan quản lý về mặt nhà nước là Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL cũng làm ngơ. Rõ nhất là trong khi nhiều người nhao nhao chuyện một ông chủ bốn đội bóng là vi phạm thì cũng có người chỉ ngược lại một ông chủ CLB mà chui vào đến vị trí Phó Chủ tịch VFF tham gia trong Thường trực VFF thì là vi phạm quy chế FIFA lẫn điều lệ VFF lớn rồi chứ còn gì.

Trở lại với thất bại của U-22 Việt Nam, nhiều ý kiến cứ dồn vào HLV Hữu Thắng và các cầu thủ thiếu kinh nghiệm trận mạc. Điều đó đúng nhưng mới chỉ là bề nổi, là phần nhìn rõ nhất đặc biệt qua hai trận hòa Indonesia và thua Thái Lan. Đã có ai nhìn vào sự bị động nhưng vẫn cứ phải gồng lên là mình được tạo điều kiện tốt nhất và “tự chủ” của HLV Hữu Thắng. Rõ nhất là những trận tập huấn được “cáp” lấy lệ rồi thổi lên là đội chuyên nghiệp đá K-League.

Trận gặp các ngôi sao K-League đúng nghĩa là các ngôi sao này đi du lịch ra sân tí cho có lệ nhận “lại quả”. Đổi lại là họ tâng bốc cho các cầu thủ U-22 Việt Nam phô diễn. Họ đá đúng nghĩa hữu hảo kiểu đứng chịu cho các em đá và tự sướng.

Đá giao hữu tập huấn thắng như chẻ tre nhưng đến những trận quan trọng thì thua sức, thua về nhiều mặt là sao?

Sang đến Hàn Quốc, các trận giao hữu trước giải chất lượng đều “vứt”. Khi mà tên là những đội mạnh nhưng thành phần và thái độ thì còn thua cả phong trào. Có trận đội bạn kéo ra đá giữa trưa trên sân tập và đá nhanh, đá vội để xong việc và để mọi người kịp lên xe về nhà.

Tư thế của một đội tuyển U-22 quốc gia không thể là đá tập những trận kiểu họ cho gì ăn nấy như thế được nhất là ăn toàn quả đắng mà cứ phải gồng lên khen ngọt và khen chất lượng.

Ai chịu trách nhiệm cho những trận kém chất lượng mà vẫn gồng lên ru và khen các cầu thủ U-22 có đợt tập huấn tốt, chất lượng trong khi các hậu vệ thì trận nào áo cũng sạch tươm. Ngược lại thì tuyến trên tiền đạo ghi bàn ầm ầm và có trận như bài tập không đối kháng.

Hàng loạt các thuốc thử được ấn cho U-22 Việt Nam không có thuốc nào đủ đô để hàng thủ phải căng mình, đổ mồ hôi và vất vả ít ra cũng như gặp Indonesia và Thái Lan.

Một chiến dịch săn vàng nhưng rõ ràng không thấy bóng dáng của những nhà chuyên môn mà đa phần là sự bóng bẩy cùng những tuyên bố theo cảm tính từ một thế hệ cầu thủ tốt nhất. Cái phần tốt nhất đấy đã che lấp đi phần cần thiết là chinh chiến nhất, bản lĩnh nhất và đồng bộ nhất.

 Có ai thấu được nỗi niềm của người hâm mộ Việt Nam sau thất bại. Ảnh: HUY PHẠM - CTV

Tâm sự về điều bí ẩn làm nên nhà vô địch

+ Trong chương trình Góc Khuất của đài truyền hình cáp Việt Nam phát trên kênh Bóng đá TV, cựu thủ môn Dương Hồng Sơn – cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008 đã chia sẻ về điều làm nên nhà vô địch Đông Nam Á chính là sự đồng nhất và hy sinh vì cái chung mà HLV Calisto đã làm được. Dương Hồng Sơn kể: “Trước giải, ông Calisto đi gặp riêng một số cầu thủ trụ cột nhưng còn lấn cấn với đồng đội. Ông gặp riêng Tài Em, Minh Phương, Tấn Tài, Vũ Phong và nói. Tôi biết các bạn có thể không thích nhau, tôi biết các bạn có thể bất đồng khi tôi luôn ưu ái cho Công Vinh một vị trí chính thức nhưng tôi xin các bạn hãy bỏ lại những bất đồng hay việc không ưa anh này, anh kia đi mà hãy hợp tác với nhau. Chúng ta chỉ có thể vô địch khi chấp nhận hợp tác với nhau và cùng nhau giải quyết một vấn đề vì mục tiêu chung của đội tuyển. Sau đó thì tất cả đều xem nhau như anh em và hợp tác với nhau tốt trên sân lẫn trong sinh hoạt”.

+ Trước khi đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2016, cựu tuyển thủ Nguyễn Việt Thắng đã điện thoại cho đồng đội cũ Thành Lương đang tham gia đội tuyển với một câu hỏi: “Lương ơi! Mày chỉ cần trả lời cho tao biết bữa cơm dưới thời HLV Hữu Thắng ở đội tuyển mọi người ngồi ở bàn ăn như thế nào?”. Trả lời đồng đội cũ, Thành Lương nói: “Bàn Sông Lam ngồi với Sông Lam, bàn HA Gia Lai ngồi với HA Gia Lai, bàn Hà Nội ngồi với mấy anh em Hà Nội…”. Nghe đến đấy, Việt Thắng nói luôn: “Vậy là hỏng rồi, đừng trông chờ vào thành tích ở AFF Cup 2016. Hồi tụi mình tập trung thời thầy Calisto, bữa ăn đầu tiên ông thầy này xáo tung hết lên và cho mọi người ngồi xen lẫn với nhau để phá vỡ từng cụm, từng nhóm ở CLB. Ngay cả phòng ngủ ông cũng không bao giờ để hai cầu thủ cùng CLB ở chung với nhau vì muốn có sự liên kết nơi mọi người với nhau. Ở đội tuyển mà vẫn còn tính CLB thì khó làm nên việc lớn lắm”. 

Đón đọc kỳ tới: Lá đơn từ chức và chuyện đấu đá trong ngôi nhà VFF

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới