Kỳ án hiện đại - Bài 2: “Đã bắt giam thì phải có tội!”

Thời đó, với kiểu lập luận này, người ta muốn một lần nữa kết tội ông Tạ Đình Đề nhưng cuối cùng công lý đã chiến thắng.

Như đã đề cập ở bài trước, năm 1986 tôi được lãnh đạo Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C, VKSND Tối cao) giao nghiên cứu hồ sơ và đề xuất hướng xử lý vụ án ông Tạ Đình Đề. 10 năm trước, ông Đề từng bị bắt giam và truy tố nhiều tội nhưng được tòa tuyên trắng án, trả tự do ngay tại tòa.

Lội ngược dòng

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe. Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN.

Thời điểm này tình hình kinh tế-xã hội của nước ta vô cùng khó khăn. Chính sách giá-lương-tiền dẫn đến việc đổi tiền vào tháng 9-1985 khiến giá hàng hóa tăng gấp 10 lần, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Lúc đó cán bộ, nhân viên nhà nước hằng tuần phải lên rừng phát rẫy trồng sắn, đến bữa ăn chỉ có rau và mì, có lúc phải mặc áo vá đi làm. Lúc này cán bộ, công nhân viên coi tem phiếu, sổ gạo là những tài sản vô cùng quan trọng, mất nó là tai họa (do vậy mới có câu mặt nghệt như mất sổ gạo và chính tôi đã một lần mặt nghệt như thế vì bị bọn móc túi móc sạch tem phiếu khi đi qua cầu Long Biên).

Cần nhắc lại rằng 10 năm trước, khi bị bắt, ông Đề đã từng bị cắt hết tiêu chuẩn tem phiếu, sổ gạo. Mà với một cán bộ, viên chức, điều ấy đồng nghĩa với cắt hết nguồn sống. Sau khi được tòa tha bổng, quyền lợi của ông và gia đình vẫn không được phục hồi. Nói điều ấy đủ biết tình cảnh ông bi đát đến cỡ nào.

Cho nên xét về tâm lý, ông Tạ Đình Đề từng vào sống ra chết để làm cách mạng, nay bị đối xử tệ nên phát sinh bi quan, chán nản. Từ chán nản đến tiêu cực, ông sưu tầm ca dao, hò, vè về nói chuyện phiếm với một số người. Rõ ràng hành vi này chỉ xuất phát từ động cơ chán nản, bất mãn chứ không có ý thức chống đối chế độ, chống Nhà nước.

Ông Tạ Đình Đề và bức ảnh của ông thời còn trẻ. Ảnh tư liệu

Nhận định trên đây là kết quả sau khi tôi đã nghiên cứu xong hồ sơ vụ án. Đây là nhận định rất mới, khác với quan điểm của nhiều người, nhất là với cơ quan điều tra, nên tôi chưa dám báo cáo với lãnh đạo Vụ 2C. Có lúc tôi nghĩ mình chỉ là thằng cán bộ quèn, ăn nói không cẩn thận có khi bị chụp mũ thì gay go vô cùng.

Lưu truyền hò, vè đả kích thì không phạm tội

Tôi luôn khắc ghi lời của anh Phan Xuân Bá, Vụ phó Vụ 2C, rằng: “Hồ sơ như thế nào thì báo cáo như vậy, nhận thức như thế nào thì đưa ra quan điểm như thế đó”. Nhưng trong hồ sơ, những vị quyền cao chức trọng đã khẳng định như đinh đóng cột là phải xử Tạ Đình Đề về tội chống phá chế độ. Tôi cảm thấy hơi lo lắng.

Nhưng rõ ràng hơn một năm qua, cơ quan điều tra đã đi xác minh nhiều nhân chứng ở nhiều nơi nhưng kết quả điều tra vẫn không có gì mới. Nếu tiếp tục gia hạn tạm giam đặc biệt cũng không cần thiết và không giải quyết được gì. Nhưng tôi vẫn cứ run run. Bởi nếu lãnh đạo không đồng ý thì chẳng những sẽ kéo dài thêm những tháng ngày đau khổ cho ông Tạ Đình Đề mà có khi mình còn bị đánh giá là hữu khuynh. Ranh giới giữa mất - còn thật mong manh! Biết đâu sau đề xuất của mình là những tai ương đang chờ đón, lôi thôi mình bị mất việc như chơi… Nhưng rồi cuối cùng cái tâm của con người trong tôi đã thắng, nó giúp tôi vượt qua mọi trở ngại trong báo cáo của mình: Tôi mạnh dạn đề xuất không cần thiết phải tiếp tục tạm giam bị can thêm nữa.

Một hôm, tôi đang ngồi tu chỉnh lại hồ sơ thì anh Phan Xuân Bá gọi tôi sang phòng anh Lê Mai - Vụ trưởng Vụ 2C báo cáo. Chờ tôi ngồi, anh Mai vào đề ngay: “Mình đã đọc kỹ báo cáo của cậu rồi, ngoài nội dung báo cáo, cậu có thể nói kỹ hơn, suy nghĩ thế nào thì cứ phát biểu thế đó!”. Tôi bày tỏ quan điểm của mình theo hướng như đã nói. Tôi vừa nói xong, anh Bá gật đầu nhưng anh Mai lại… lắc đầu. Anh Mai nói (đại ý) rằng ý kiến đề xuất mạnh dạn của cậu bọn mình rất hoan nghênh nhưng Tạ Đình Đề có hành vi thu thập, phổ biến và tuyên truyền các câu ca dao, hò, vè có tính chất đả kích lãnh đạo, nói xấu chế độ… Quay sang anh Bá, anh Mai hỏi: “Ý của tôi vậy, anh Bá thấy thế nào?”. “Tôi thấy thống nhất như báo cáo, giải trình của đồng chí Biểu. Đây chỉ là hành vi phản tuyên truyền, không phải là tội phạm” - anh Bá trả lời.

… Sau đó ít ngày, Vụ 2C tổ chức cuộc họp để thảo luận nghiệp vụ xoay quanh vụ án Tạ Đình Đề. Trong số các ý kiến buộc tội, có người còn lập luận rằng: “Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn. Tôi đề nghị thống nhất với ý kiến của cơ quan điều tra (tức kết tội ông Đề)”!

Chiến thắng của công lý

Sau cuộc họp thảo luận trên, tôi còn được anh Bá và anh Mai gọi sang hội ý mấy lần. Một hôm, sau khi nghe tôi báo cáo, anh Mai đăm chiêu suy nghĩ, có vẻ như cân nhắc từng chữ một khi nói với tôi. “Mình và anh Bá đã xem kỹ báo cáo và cả ý kiến phát biểu của cậu hôm trước. Khá đấy! (Đột nhiên anh Mai cười vui vẻ, một điều rất hiếm gặp!). Về cơ bản mình và anh Bá nhất trí với đề xuất của cậu…”. Sau lần này, tôi làm dự thảo báo cáo và chuyển cho anh Bá, sau đó chuyển cho anh Mai.

Trời Hà Nội mấy ngày cuối đông năm 1986 mưa phùn kèm gió bấc lạnh tê tái. Tôi vừa đạp xe đến cơ quan thì anh Lê Mai bảo chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo Viện. Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Trần Lê, Viện trưởng VKSND Tối cao, kết luận: “Thay mặt lãnh đạo Viện, tôi xin biểu dương Vụ 2C đã chuẩn bị tốt nội dung báo cáo, trong đó mạnh dạn nêu quan điểm xử lý vụ án. Ý kiến các đồng chí lãnh đạo Viện đã thống nhất về quan điểm xử lý vụ án này…”.

Ngày 8-1-1987, viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản trả lời Bộ Công an, trong đó nói rõ không cần đưa vụ án này ra truy tố, xét xử. Phải mất gần một năm trao đi đổi lại nữa, trong đó cấp cao nhất đã đồng ý với quan điểm của Viện, cuối cùng, ngày 7-12-1987, VKSND Tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Tạ Đình Đề. Vụ án được khép lại.

10 năm sau, có dịp gặp ông, tôi nói: “Kính chào bác Đề. Hơn 10 năm nay mới được gặp lại bác. Bác là người đã để lại cho đời nhiều câu chuyện huyền thoại”. Bác Đề nắm chặt tay tôi, lắc mạnh như người thân lâu ngày gặp lại và nói: “Có gì mà huyền thoại đâu. Thực ra tôi là người đã để lại cho VKS nhiều phiền toái đấy chứ!”.

Vài nét về ông Tạ Đình Đề

Ông Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1936, ông cùng với cha và anh trai sang Vân Nam (Trung Quốc) làm việc tại Công ty Hỏa xa. Tại đây, ông tham gia Hội Ái hữu cứu quốc do Việt Minh tổ chức. Ông từng được cử đi học tại các trường hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ và Trường đào tạo gián điệp ở Trung Quốc (nơi đào tạo sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái xe, lái máy bay…). Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Sau đó, Mỹ đưa ông đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, ông được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn.

Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng, một năm sau thì ông vào Đảng. Ông từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3…

Ông qua đời vào ngày 29-2-1998. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng huân chương Độc lập hạng Ba (ảnh). Nhà thơ Bút Tre từng có thơ rằng: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên/ Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về/ Hoan hô anh Tạ Đình Đề/ Trước đi theo địch nay về với ta.

TS DƯƠNG THANH BIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới