Kỳ họp Quốc hội bất thường sắp bàn miễn nhiệm, bổ nhiệm thành viên Chính phủ

(PLO)-  Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-1, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc đã khẳng định: Kỳ họp bất thường lần thứ hai sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách.

Đầu tiên là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Vương Đình Huệ, đây là quy hoạch mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nghị quyết số 61/2022 của Quốc hội về giám sát tối cao công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã yêu cầu hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022.

“Căn cứ Tờ trình, hồ sơ trình của Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học, khả thi”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2. Ảnh: QH

Đối với Dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu: dự luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại hai kỳ họp trước.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án sang Kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa tạo sự phát triển ổn định, lâu dài ngành y tế, không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung tiếp tục thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề về Hội đồng Y khoa quốc gia; thời hạn, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… cùng nhiều vấn đề khác.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ. Ảnh: QH

Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ. Ảnh: QH

Đối với việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc biệt cho phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: tại Nghị quyết số 30 Quốc hội đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những quyền hạn đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Đến nay, Nghị quyết đã hoàn thành sứ mệnh, chính thức hết hiệu lực thi hành từ 31-12-2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu đánh giá toàn diện Nghị quyết và cho ý kiến về việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Kỳ họp cũng sẽ cho ý kiến về một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cho hay: “Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, rút kinh nghiệm từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp bất thường lần này là hoạt động “bình thường” của Quốc hội đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng.

Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết với chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm