Phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường của Quốc hội chiều 11-1, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định là kỳ họp có nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.
Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
“Trước tình hình đó, Quốc hội cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của Nhân dân” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Kỳ họp đã trí rất cao ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Các chính sách này được triển khai trong 2 năm 2002-2003, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng, chống dịch COVID-19; An sinh xã hội, lao động và việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.
Kỳ họp đã thông qua việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn đầu tư công, với sơ bộ tổng mức đầu tư gần 147 nghìn tỷ. Dự án có quy mô 729 km trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau.
Kỳ họp đã xem xét, thảo luận Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự
Và cuối cùng, kỳ họp đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Theo đó, ngoài các chính sách đã thí điểm ở một số địa phương, Quốc hội quyết định thí điểm thêm 02 chính sách đặc thù tại Cần Thơ gồm: nạo vét cửa Định An và ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại TP.
Theo Chủ tịch Quốc hội, với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn.
“Tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, đất nước sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đời sống người dân sẽ được nâng cao, niềm tin của Nhân dân sẽ càng được củng cố vững chắc” - Chủ tịch Quốc hội nói.
(PLO)- Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, kỳ họp bất thường quyết những chính sách lớn nhưng xa hơn, nên ủy quyền nhiều hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.