Từ kỳ họp bất thường, bàn về đổi mới hoạt động Quốc hội

Hôm nay, Quốc hội (QH) khóa XV sẽ có kỳ họp bất thường để quyết định những chính sách lớn phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.

Đặt kỳ họp này trong dòng chảy của cải cách, đổi mới của QH, TS Nguyễn Sĩ Dũng (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho là có lẽ vì chưa chuẩn bị kịp trong kỳ họp thường kỳ cuối năm 2021 nên phải có thêm kỳ họp này.

Tiền lệ và lựa chọn

.Phóng viên: Kỳ họp bất thường này liệu có tạo ra tiền lệ cho tương lai để trở thành bình thường, kiểu như QH có thể họp bất cứ lúc nào thấy cần, thay vì “xuân thu nhị kỳ”, thưa ông?

+TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho là không. QH ta không được tổ chức để họp nhiều như thế… Ngay cả trường hợp này, nếu kỳ họp cuối năm vừa rồi QH chưa tuyên bố bế mạc thì cuộc họp hôm nay cũng chỉ nên coi là phần tiếp theo mà thôi. Tương tự như hai phần trước đó - phần 1 họp trực tuyến, phần 2 họp tập trung.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Về mặt thể chế, Nhà nước ta không tổ chức theo mô hình đại nghị phương Tây để các đại biểu (ĐB) QH chuyên nghiệp, có thể họp thường xuyên. Chúng ta cũng không có các tiền đề để vận hành theo cách ấy. ĐBQH ngoài 40% hoạt động chuyên trách thì 60% kia là kiêm nhiệm nên thêm thời gian cho một kỳ họp nữa phải rất cân nhắc.

Bù lại, chúng ta có Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH hoạt động thường xuyên. Ngoài thẩm quyền riêng theo luật định thì UBTVQH còn có thể thực hiện các công việc theo ủy quyền của QH. QH có thể chỉ quyết những vấn đề rất lớn, giám sát, kiểm tra, áp đặt chế độ trách nhiệm, còn lại thì giao cho UBTVQH.

Như năm vừa rồi, QH đã ủy quyền cho Chính phủ cũng như UBTVQH khá nhiều nội dung về chính sách và lập pháp. Có những việc QH ủy quyền trực tiếp cho Chính phủ, có những việc thuộc thẩm quyền của mình nhưng QH giao Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

QH mạnh dạn ủy quyền, UBTVQH hoạt động tích cực, hiệu quả hơn và đó là UBTVQH kỹ trị...

. Như ông nói thì nên lựa chọn mô hình UBTVQH kỹ trị?

+ Sự lựa chọn phải phù hợp với thực tiễn nước ta.

QH nước ta với đa số ĐB kiêm nhiệm và công việc chính của các ĐBQH kiêm nhiệm là cương vị công tác mà họ đang nắm giữ. Đặt vấn đề QH họp nhiều hơn hai kỳ mỗi năm là không hợp lý.

Chúng ta từng kỳ vọng QH toàn thể họp dài hơn, thảo luận nhiều hơn sẽ dân chủ hơn, quyết định sẽ tốt hơn nhưng thực tiễn thì không phải như vậy. Chúng ta cần một UBTVQH kỹ trị với thẩm quyền cao hơn để làm tốt nhiệm vụ ấy.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại họp báo về kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

QH toàn thể theo cơ cấu và kiêm nhiệm như hiện tại thì ủy quyền nhiều hơn và áp đặt chế độ trách nhiệm cao hơn cho UBTVQH là tốt hơn. Nếu coi dân chủ là mục tiêu thì lựa chọn một nhà nước kỹ trị để thúc đẩy, ta sẽ sớm tới mục tiêu hơn và bền vững hơn.

Kỳ họp bất thường lần này sẽ xem xét, thảo luận những vấn đề cấp bách cho quốc kế dân sinh, trong đó có việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện chức năng lập pháp của QH.

QH đã chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng về các dự án luật cho kỳ họp và các ĐB đều chuẩn bị kỹ, có trách nhiệm đối với các nội dung trình tại kỳ họp bất thường này, sẵn sàng đóng góp ý kiến để QH quyết định các vấn đề cấp bách của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn vừa phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

ĐB NGUYỄN THỊ HỒNG HẠNH, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM 

Dòng chảy của cải cách, đổi mới

. Được biết Đảng đoàn QH đang hoàn thiện các chuyên đề thuộc đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo ông, trong tầm nhìn ấy, QH nên đổi mới theo hướng nào?

+ Trong mô hình thể chế Việt Nam thì tiếp tục hoàn thiện theo hướng nhấn mạnh yêu cầu kỹ trị là hợp lý nhất, thực tiễn nhất. Vậy nên, hướng của Đảng đoàn QH, nghiên cứu chuyển một số chức năng hoạt động của QH về UBTVQH là tốt hơn cho giai đoạn phát triển này.

Tôi nhấn mạnh là giai đoạn này. Còn đến lúc nào đó, khi xã hội phát triển hơn, tầng lớp trung lưu đã chiếm 70%-75% dân số, nền tảng xã hội được củng cố để các thiết chế dân chủ có thể vận hành hiệu quả hơn thì lúc đấy cải cách theo hướng đề cao mô hình dân chủ sẽ khả thi hơn là ngay bây giờ. Lúc đấy, ước mơ về một QH chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên với các ĐB chuyên nghiệp họp thường xuyên có thể thành hiện thực.

. Giai đoạn này tạm tính là đến năm 2030, theo ông phải đổi mới tổ chức, hoạt động của UBTVQH như thế nào để qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động chung của QH?

+ Về mặt thẩm quyền, QH cần đẩy mạnh ủy quyền lập pháp, ủy quyền quyết định một số vấn đề lớn phải giải quyết giữa hai kỳ họp toàn thể của QH. UBTVQH lúc ấy sẽ hoạt động thường xuyên hơn. Để đảm đương được khối lượng, thẩm quyền thì phải tăng tính kỹ trị trong tổ chức và hoạt động của UBTVQH.

Có nhiều cách, chẳng hạn bổ sung ủy viên UBTVQH là những chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, số ủy viên TVQH phải đủ lớn để đảm bảo các nguyên tắc trong hoạt động nghị viện...

Ngoài ra, cần tổ chức các nhóm chuyên gia gồm những người có chuyên môn sâu để Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH và UBTVQH thường xuyên được trao đổi, góp ý, phân tích, phản biện các vấn đề chính sách trước khi đưa ra quyết định. Thậm chí, với những vấn đề phức tạp thì UBTVQH mời các chuyên gia hàng đầu tới dự họp, phát biểu về chuyên môn để các ủy viên TVQH biểu quyết. UBTVQH lúc ấy biểu quyết chính sách với sự hiểu biết sâu sắc của mình.

Tín hiệu từ những tháng đầu của QH khóa XV

. Theo quan sát nửa năm đầu QH khóa XV, ông có thấy những tín hiệu cải cách, đổi mới theo hướng kỹ trị không?

+ Tôi thấy QH khóa này có vẻ dẫn dắt nhiều hơn. Ví dụ, diễn đàn kinh tế thường niên của QH đã bàn thẳng vào các vấn đề thuộc về chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ. Thảo luận các vấn đề kỹ trị quan trọng như bơm tiền vào như thế nào và làm sao để rút ra mà không gây các tác động tiêu cực về vĩ mô. Rồi phục hồi du lịch ra sao trong hoàn cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài. Khuôn khổ tư duy, tầm nhìn, các ưu tiên được hình thành từ đây và vang lên ở kỳ họp QH.

Một ví dụ khác, với dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam, ban đầu Chính phủ đề xuất giao các tỉnh làm chủ đầu tư. Nhưng các cuộc thảo luận rộng rãi, chủ động tại Ủy ban Kinh tế và UBTVQH đã đi đến việc phải giao cho Bộ GTVT để đảm bảo yêu cầu cao về tính đồng bộ kỹ thuật, đấu nối, vận hành…

Nói QH dẫn dắt không có nghĩa là Chính phủ bị động. Chính phủ hoàn toàn nhìn nhận được các vấn đề ấy nhưng quá bận bịu về công tác điều hành thì QH với tính chất là cơ quan làm chính sách, có điều kiện thời gian hơn đã chủ động khơi gợi, thảo luận, thúc đẩy nhận thức và chế độ trách nhiệm. Quyền lực mềm của QH là ở đấy.

Còn hơi sớm vì các ĐBQH mới ở những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ nhưng theo đà này, nếu tiếp tục các cải cách về tổ chức, hoạt động của QH thì chúng ta sẽ có một QH kỹ trị hơn.

. Xin cám ơn ông.

Phiên khai mạc sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp

Theo thông cáo, 7 giờ 15 hôm nay (4-1), lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ĐBQH dự họp tại điểm cầu Nhà QH đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lúc 8 giờ cùng ngày, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

Đến 9 giờ, QH khóa XV sẽ họp phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất tại Hội trường Diên Hồng, kết nối trực tuyến với 62 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành. Riêng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà QH.

Phiên khai mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình QH. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm