Hiện nay, vấn đề nghe lén trên điện thoại đang ngày càng trở nên phổ biến, đơn cử như vợ theo dõi chồng, cha mẹ theo dõi con cái, doanh nghiệp đánh cắp thông tin lẫn nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc.
Virus, mã độc và phần mềm gián điệp có thể xâm nhập vào smartphone bằng nhiều cách, chưa kể đến việc người dùng có thể vô tình nhấp vào các liên kết lạ và tự rước phần mềm độc hại về máy, đặc biệt là các thiết bị đã root hoặc jailbreak.
1. Hao pin bất thường
Khi có nhiều ứng dụng hoạt động ở chế độ nền, điện thoại sẽ nhanh chóng bị hết pin. Để kiểm tra, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Battery (pin). Lưu ý tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.
Tại đây, người dùng chỉ cần kiểm tra những mốc thời gian pin bị tụt bất thường, đồng thời giám sát các ứng dụng đang “ngốn” pin, từ đó có hướng xử lý phù hợp (tắt hoặc gỡ bỏ ứng dụng).
Cách kiểm tra các ứng dụng nào đang ngốn pin. Ảnh: MINH HOÀNG |
2. Mức sử dụng dữ liệu di động (4/5G) tăng cao
Phần mềm gián điệp sẽ luôn chạy ngầm trên hệ thống và gửi dữ liệu liên tục về máy chủ mỗi khi bạn kết nối WiFi hoặc 4/5G. Đó là lí do tại sao nhiều người thường phải đối mặt với các hóa đơn điện thoại lên đến vài triệu đồng mỗi tháng hoặc các gói dữ liệu di động hết nhanh hơn so với bình thường.
Người dùng có thể kiểm soát mức độ sử dụng dữ liệu di động bằng cách cài đặt các ứng dụng của nhà mạng, đơn cử như My Viettel, My MobiFone hoặc My VNPT, sau đó truy cập vào phần Thông tin thuê bao.
Kiểm soát dữ liệu di động sử dụng bằng ứng dụng của nhà mạng. Ảnh: MINH HOÀNG |
3. Xuất hiện quảng cáo và các ứng dụng không mong muốn
Nếu màn hình liên tục xuất hiện quảng cáo và các ứng dụng không mong muốn, nhiều khả năng điện thoại đã dính phần mềm độc hại.
Phần mềm quảng cáo có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu, mở “cửa hậu” và cho phép tin tặc truy cập thiết bị từ xa.
Google và Apple thường xuyên gỡ bỏ các phần mềm độc hại khỏi kho ứng dụng, tuy nhiên, chúng sẽ vẫn tồn tại trên điện thoại nếu bạn đã lỡ cài đặt trước đó. Do đó, để hạn chế phần mềm độc hại, người dùng không nên nhấp vào các liên kết không rõ ràng.
4. Hiệu suất điện thoại giảm
Điện thoại tốt nhất cũng có xu hướng chậm lại theo thời gian. Điều này đặc biệt đúng với các thiết bị giá rẻ hoặc tầm trung, vốn không được thiết kế để xử lý các tác vụ nặng hoặc đáp ứng những tính năng mới của phần mềm trong tương lai. Tuy nhiên, điện thoại cũng sẽ chạy chậm khi có nhiều dữ liệu được sử dụng.
Để kiểm tra các ứng dụng đang chạy nền, bạn hãy truy cập vào Settings (cài đặt) - Apps (ứng dụng) - Manage apps (quản lý ứng dụng). Nếu phát hiện ứng dụng nào lạ, người dùng chỉ cần nhấn Uninstall (gỡ cài đặt) ngay lập tức.
Gỡ cài đặt các ứng dụng không cần thiết trên điện thoại. Ảnh: MINH HOÀNG |
Tương tự, trên iPhone bạn hãy vào Settings (cài đặt) - General (cài đặt chung) - iPhone Storage (dung lượng iPhone) và gỡ bỏ các ứng dụng lạ.
Làm thế nào để hạn chế việc bị theo dõi?
- Chỉ tải xuống các ứng dụng trên Google Play hoặc App Store, đồng thời đọc kĩ các phản hồi của người dùng trước đó.
- Không nhấp vào các liên kết lạ trong tin nhắn, Messenger, Zalo, email… kể cả khi người gửi là bạn bè, người thân. Để an toàn, người dùng nên sử dụng dịch vụ VirusTotal để kiểm tra trước khi nhấp vào liên kết hoặc giải nén tệp tin.
- Ngoài ra, việc khôi phục cài đặt gốc cũng có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng bị theo dõi. Tuy nhiên, một số loại phần mềm độc hại có thể chiếm được quyền hạn cao nhất trên thiết bị, khiến các ứng dụng chống virus không thể gỡ bỏ triệt để, thậm chí là kể cả khi bạn đã khôi phục cài đặt gốc.
Hi vọng với những thông tin mà Kỷ Nguyên Số vừa cung cấp, bạn đọc có thể chủ động kiểm tra điện thoại có đang bị theo dõi hay không.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.