Tòa án quận Đông (Texas) yêu cầu Huawei phải trả 10,5 triệu USD cho PanOptis. Công ty này cáo buộc Huawei đã sử dụng trái phép các giải pháp viễn thông khi chưa được sự đồng ý của họ.
Theo đơn khiếu nại, vi phạm này thể hiện trên hàng loạt dòng smartphone Android có khả năng kết nối 4G LTE mà Huawei sản xuất trong thời gian gần đây, đơn cử như Mate 9, PH Lite và Nexus 6P… Các công nghệ được đề cập thuộc loại tiêu chuẩn thiết yếu, nghĩa là PanOptis cần phải cấp phép thì mới được sử dụng. Công ty cho biết đã tổ chức ít nhất 10 cuộc đàm phán với Huawei trong khoảng hai năm trước khi nộp đơn khiếu nại.
Hiện tại, Huawei vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào liên quan đến những cáo buộc trên, tuy nhiên, nhiều khả năng công ty sẽ thực hiện việc kháng cáo. Trước đó, Huawei từng bị cáo buộc nhiều lần vi phạm bằng sáng chế và trộm cắp bí mật thương mại, đây là một trong những vấn đề rất được quan tâm tại Mỹ.
Tham vọng của Huawei về việc mở rộng sự hiện diện trên đất Mỹ đã bị chính quyền ngăn cản, các nhà thầu liên bang không được sử dụng thiết bị mạng do Huawei và ZTE cung cấp, các cửa hàng trong doanh trại không được bán thiết bị của hai công ty Trung Quốc vì lo ngại gián điệp…
Khi bắt đầu cộng tác với các công ty Mỹ vào năm 2003, Huawei đã bị Cisco Systems cáo buộc ăn cắp mã nguồn router. Dù không thừa nhận nhưng đến năm 2004 Huawei đã sửa đổi lại mã nguồn trên các thiết bị của mình trong im ắng. Tuy nhiên, gần chín năm sau đó, Huawei cho biết vào thời điểm đó công ty đã cung cấp mã nguồn cho Cisco xem xét, kết quả là không có bất kỳ vi phạm nào nên Cisco đã hủy bỏ vụ kiện. Không riêng gì Cisco, Huawei còn bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại của Motorola và T-Mobile, dẫn đến một loạt các vụ kiện và thanh toán. Huawei và ZTE thậm chí còn cáo buộc lẫn nhau.
Theo trang Android Headlines, T-Mobile đã kiện Huawei vào năm 2014 vì tội chiếm đoạt bí mật thương mại, cáo buộc công ty ăn cắp thiết kế “Tappy”, một robot được tạo ra vào năm 2007 để kiểm tra hiệu suất màn hình cảm ứng của smartphone. Nhà mạng này cho biết hành vi trộm cắp xảy ra vào năm 2012-2013, khi hai nhân viên của Huawei đến thăm một trong những cơ sở của hãng ở Bellevue, Washington. Không lâu sau T-Mobile đã loại bỏ tất cả thiết bị do Huawei sản xuất ra khỏi danh mục đầu tư, việc này đã khiến Huawei thua lỗ và bị kết tội chiếm dụng vào giữa năm 2017. Tuy nhiên, Huawei chỉ phải trả 4,8 triệu USD tiền thiệt hại cho T-Mobile thay vì 500 triệu USD như dự tính ban đầu.
Rob Graham, Giám đốc công nghệ của Errata Security, chia sẻ: “Tôi không rõ liệu điện thoại Huawei và ZTE có gây nguy hiểm cho người dùng hay không nhưng chúng ta nên sử dụng điện thoại của Mỹ, kể cả khi nó được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc. Trong mọi trường hợp, iPhone vẫn an toàn hơn bất kỳ điện thoại Android nào”.
Một số nhà phân tích dự đoán Huawei sẽ không từ bỏ tham vọng gia tăng sự hiện diện tại Mỹ nhưng gần như chắc chắn công ty sẽ chuyển bớt nguồn lực sang châu Âu. Trước đó, Huawei đã cam kết đầu tư hơn 4 tỉ USD ở Anh. Một phân tích do Reuters thực hiện cho thấy gã khổng lồ công nghệ dường như đang tìm cách quảng bá hình ảnh trực tiếp hơn, tức là giảm số lượng tiền mặt chi tiêu cho việc vận động hành lang và tập trung vào việc tài trợ các sự kiện viễn thông, các cuộc thi, học bổng... Tương lai của Huawei tại Mỹ giờ đang mờ mịt hơn bao giờ hết, đặc biệt công ty đã “chia tay” với người ủng hộ lâu năm ở Washington và trưởng nhóm đối ngoại William Plummer.
Có một sự thật bạn nên biết là tất cả smartphone đều ẩn chứa rủi ro hoặc lỗ hổng bảo mật ở một mức độ nhất định. Nhưng đa phần các thiết bị đến từ Trung Quốc thường bị phát hiện đánh cắp dữ liệu và gửi về máy chủ từ xa. Đơn cử như phần mềm gián điệp AdUps trên các dòng điện thoại BLU, OnePlus, Lenovo…
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.