Mua hàng giá rẻ trong ngày Black Friday dễ bị mất tiền

Black Friday và Cyber Monday là hai ngày mua sắm lớn nhất trong năm (xuất hiện ngay sau lễ Tạ ơn). Theo Adobe, Black Friday và Cyber Monday năm ngoái đã thu hút được lượng lớn người mua sắm, mang về doanh thu khủng hơn 11,5 tỉ USD. Với miếng mồi béo bở này, tội phạm mạng có thể kiếm được một khoản tiền không nhỏ từ những người mua sắm hoặc các nhà bán lẻ bị dính phần mềm độc hại.

“Cyber Monday và Black Friday là những ngày tuyệt vời để mua sắm trực tuyến nhưng nó cũng là thời gian mà tội phạm mạng hoạt động tích cực hơn” - Russ Schrader, Giám đốc điều hành Liên minh Bảo mật mạng (Mỹ), cho biết.

Trong một cuộc khảo sát người tiêu dùng của Công ty bảo mật DomainTools, 62% số người được hỏi cho biết họ vẫn sẽ mua hàng của một thương hiệu đã vi phạm (NewEgg, Target, Adidas…) nếu giá tiền và khuyến mãi đủ tốt.

Tuy nhiên, việc mua hàng giảm giá cũng tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công. Theo các nhà nghiên cứu tại RiskIQ, công ty đã thấy hàng trăm ứng dụng và trang web giả mạo, cung cấp các sản phẩm giảm giá nhằm ăn cắp thông tin của người dùng. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thử tìm kiếm từ khóa “Black Friday” và phát hiện có đến 237 trong 4.324 kết quả là độc hại. Tương tự, đối từ khóa “Cyber Monday”, có đến 44 ứng dụng trong tổng số 959 là độc hại.

“Với số tiền chi tiêu đáng kinh ngạc của người tiêu dùng vào ngày Black Friday, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện nhiều mối đe dọa” - Yonathan Klijnsma, một nhà nghiên cứu tại RiskIQ, cho biết trong một email. 

Bên cạnh đó, tin tặc cũng gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào những nhà bán lẻ phổ biến. Theo nghiên cứu của Kaspersky Lab, từ tháng 7 đến tháng 9, tin tặc đã tấn công các cửa hàng trực tuyến 9,2 triệu lần.

Kaspersky Lab đã theo dõi 14 loại phần mềm độc hại nhắm đến 67 trang web trò chơi điện tử, quần áo và đồ chơi. Tội phạm mạng đã cố gắn chèn thêm phần mềm độc hại để ăn cắp thông tin thẻ tín dụng, Yury Namestnikov - một nhà nghiên cứu bảo mật tại Kaspersky Lab cho biết. Ông lưu ý rằng phần mềm độc hại này vốn đã rất phổ biến trước đó nhưng nó vẫn được sử dụng lại và nhắm mục tiêu vào những người mua sắm trực tuyến.

Khi bước vào mùa mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm, người tiêu dùng và các nhà bán lẻ nên thận trọng hơn, kiểm tra tính toàn vẹn của trang web trước khi nhập thông tin hoặc tải xuống bất kỳ dữ liệu nào.

Làm thế nào để an toàn hơn khi mua sắm trực tuyến?

- Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo người dùng nên tránh các giao dịch qua email, trực tiếp truy cập vào trang web của cửa hàng thay vì bấm vào liên kết được gửi kèm bởi tội phạm mạng có thể sử dụng font chữ để đánh lừa thị giác.

- RiskIQ lưu ý bạn chỉ nên tải ứng dụng trên Google Play và App Store, kiểm tra kỹ các quyền hạn khi cài đặt. Hãy cảnh giác nếu một ứng dụng mua sắm yêu cầu quyền truy cập danh bạ hoặc mật khẩu.

- Kiểm tra các đánh giá, phản hồi về chất lượng sản phẩm của những người đã mua trước đó.

Thời điểm mua sắm cuối năm cũng là lúc các sàn thương mại điện tử, các trang web bán lẻ tung ra nhiều chiêu trò khuyến mãi. Trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, giá cả thông qua các trang web uy tín, so sánh giá để tránh mua nhầm phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc mua với giá cao hơn bên ngoài thị trường. Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo bài viết Hàng giả tràn ngập trên Lazada, Shopee, Zalo nhân ngày 11-11 tại địa chỉ http://bit.ly/tmdt-11-11.

Đối với các mặt hàng như đồng hồ, giày dép, đồ thời trang, không khó để nhận ra hàng giả dựa vào mức giá. Tuy nhiên, khá nhiều người vẫn còn thói quen ham rẻ nên khi thấy giá rẻ là đặt mua mà không quan tâm đến phần đánh giá của những người mua trước. Hàng giả sẽ cho trải nghiệm tệ, lỗi vặt và gây ức chế trong quá trình sử dụng. Chưa kể đến việc khi mua nhầm hàng giả, người dùng sẽ có cái nhìn không tốt về thương hiệu đó, ảnh hưởng đến nhà sản xuất và những cửa hàng làm ăn chân chính.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết. 

 

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới