Nhiều đơn vị tung tiền cho cuộc đua 'sáng đặt hàng chiều nhận đơn'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(PLO)- Sự bùng nổ của kinh tế số và nhu cầu mua sắm, kinh doanh trực tuyến đã thúc đẩy dịch vụ giao hàng chặng cuối tại Việt Nam phát triển.

Trong báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2024, Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, sự phát triển của thị trường TMĐT đã thúc đẩy các dịch vụ hậu cần, nhất là thị trường giao hàng chặng cuối e-logistics (logistics TMĐT) thêm sôi động.

Đẩy mạnh đầu tư giao hàng chặng cuối

Vecom cho biết, không phải chờ tới 2024, từ năm ngoái nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải và sàn TMĐT đã chủ động đầu tư khá lớn, với mức độ ứng dụng công nghệ cao vào các trung tâm hoàn tất đơn hàng.

Đầu năm 2024, ông lớn Viettel Post đưa vào hoạt động tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam tại Quang Minh (Mê Linh, TP. Hà Nội), nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng lên 99%.

Tổ hợp này đã giúp Viettel Post rút ngắn thời gian toàn trình bưu phẩm còn 43 giờ và tỉ lệ giao hàng thành công đạt khoảng 95%.

Giao Hàng Nhanh cũng "tung" 10 triệu USD vào năm ngoái để xây dựng kho trung chuyển Xuyên Á ở Long An, nâng tổng diện tích cơ sở hạ tầng lên 150.000 m2 với 30 kho phân loại và chuyển tiếp khắp toàn quốc.

Theo đơn vị này, tốc độ xử lý đơn hàng trên toàn hệ thống đã tăng lên gấp 2 lần, chi phí mạng lưới giao hàng cũng được tối ưu 15%.

Cùng thời gian trên, SPX Express tại Việt Nam đã khánh thành Trung tâm phân loại rộng 100.000 m2 tại Khu công nghiệp VSIP (Bắc Ninh).

Đây là trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX trong khu vực Đông Nam Á với khả năng xử lý 2,5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn 1 và dự kiến nâng công suất lên 5 triệu bưu kiện/ngày trong quý 4 năm 2024.

giao hàng chặng cuối
Doanh nghiệp tăng đầu tư trung tâm phân loại hiện đại để rút ngắn thời gian giao hàng trong nước. ẢNH: NGỌC HƯƠNG

Trao đổi với PLO, bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX, cho biết việc tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phạm vi hoạt động không chỉ nhằm tối ưu hóa chi phí và gia tăng hiệu quả vận hành, mà còn nâng cao trải nghiệm giao hàng chặng cuối đến tay người dùng. Tính tới thời điểm hiện tại, SPX đã nâng tỉ lệ giao hàng thành công đạt 97% và thời gian giao hàng cũng được rút ngắn.

Nếu so với hồi đầu năm 2024, tới nay thời gian giao hàng toàn hành trình từ lúc người bán giao cho bưu tá SPX đã giảm 6,4 tiếng. Nhờ đó rút ngắn được thời gian giao hàng đến tay người dùng.

Các chuyên gia cho rằng đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường TMĐT trong nước phát triển.

Giữ khách bằng... giao nhanh

Thạc sĩ Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Vecom, nhìn nhận, logistics nói chung và giao hàng chặng cuối là mắt xích quyết định đến trải nghiệm mua sắm liền mạch kể từ lúc đặt hàng cho đến khi nhận hàng của người dùng.

“Tôi cho rằng, tốc độ và chất lượng giao hàng, bao gồm từ quá trình xương sống tới chặng cuối sẽ là yếu tố đánh giá uy tín và vị thế của sàn TMĐT trong mắt khách hàng. Hiện đã có những sàn TMĐT làm được câu chuyện giao hàng chỉ trong vài giờ đồng hồ, đây là chuyển biến tích cực trong TMĐT”- ông Minh nói.

Ở góc độ nhà bán, ông Trần Lâm, Giám đốc công ty TNHH Natural House đồng tình và cho biết, hiện tại với một số đơn hàng khi khách hàng và kho nhà bán ở cùng 1 địa điểm như ở TP.HCM, đơn đặt vào buổi sáng, có thể nhận ngay trong ngày. Mặc dù đây không phải là đơn hỏa tốc.

giao hàng chặng cuối
Khách hàng mua sắm online đã có thể nhận đơn ngay trong ngày, dù không phải hỏa tốc. ẢNH: THU HÀ

"So với các năm trước, logistics TMĐT đã được được cải thiện rất nhiều. Khách hàng hài lòng sẽ tăng mua sắm, từ đó thúc đẩy doanh thu của nhà bán tăng trưởng"-ông Lâm nói.

Bà Đỗ Mai Phương, Quản lý phát triển khách hàng của nền tảng Metric cũng nhìn nhận, nền tảng nào có thể cung cấp hệ thống logistics nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian cho nhà bán hàng, khách hàng thì đó sẽ là một lợi thế lớn trong cuộc đua TMĐT hiện nay.

Điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều nền tảng TMĐT chuyên bán sỉ của Trung Quốc như Temu, 1688, Taobao... đang tìm đường vào Việt Nam.

Theo ước tính của Allied Market Research, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam sẽ tăng từ 0,71 tỉ USD vào năm 2021 lên mức 4,88 tỉ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn 2022 - 2030.

Đọc thêm