Chiều 8-7, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã họp báo thông tin về công tác tổ chức kỳ thi.
|
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: PHI HÙNG |
Tăng cường kỷ cương trường thi
Tại đây, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết đánh giá sơ bộ, kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước.
Việc tổ chức coi thi tại tất cả điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra.
Ban chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.
Việc ra đề thi từ đề tham khảo đến đề chính thức đều bảo đảm điều kiện, bối cảnh dạy học dịch bệnh trong năm vừa qua rất đa dạng.
Cũng theo ông Phong, một trong những điểm nhấn của kỳ thi năm nay là công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn.
Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch COVID-19 không được đưa vào đề thi năm nay.
Bên cạnh đó, ông Phong cũng cho biết một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời, bảo đảm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh (TS) đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ trung ương đến địa phương.
50 thí sinh vi phạm quy chế thi
Trong hai ngày diễn ra kỳ thi, có 12 TS vi phạm quy chế thi ở buổi thi môn ngữ văn, 10 TS ở buổi thi môn toán, 21 TS ở buổi thi các bài thi tổ hợp và bảy TS ở buổi thi môn ngoại ngữ. Trong số này có sáu TS sử dụng tài liệu trong khi thi và 43 TS mang điện thoại vào phòng thi.
Trước băn khoăn cho rằng vì sao có tới 43 TS mang điện thoại vào phòng thi, phải chăng do cán bộ coi thi không nhắc nhở? Ông Lê Mỹ Phong lý giải tất cả TS đều được phổ biến quy chế thi.
TS mang điện thoại vào phòng thi là cố tình vi phạm quy chế vì tại mỗi phòng thi, cán bộ coi thi đều nhắc nhở TS là không được mang tài liệu, điện thoại vào phòng thi.
Lý giải nghi vấn lộ đề Văn, lọt đề Toán
Trước thông tin phản ánh lộ đề thi môn ngữ văn trước giờ thi, vị lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng khẳng định: “Đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề thi. Bộ GD&ĐT cũng đã chuyển đơn vị chức năng của Bộ Công an để xác minh, làm rõ. Đối với nghi vấn đề thi môn toán được đăng trên mạng xã hội trong giờ thi, ngay khi nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã chủ động vào cuộc để xác minh thông tin… Các đơn vị chức năng của Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ các thông tin liên quan để xử lý theo đúng quy định hiện hành”.
Trước ý kiến về đề thi năm nay có tính phân hóa cao hơn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết năm nay học sinh do bị ảnh hưởng của dịch bệnh ba năm liền, ở học kỳ 2 năm học 2019-2020 bộ đã có công văn về điều chỉnh nội dung dạy học trong bối cảnh dịch bệnh.
“Việc ra đề thi từ đề tham khảo đến đề chính thức đều đảm bảo điều kiện, bối cảnh dạy học dịch bệnh trong năm vừa qua rất đa dạng.
Thực tế có những nơi thời gian dạy học trực tiếp nhiều, hướng dẫn nhà trường ôn tập cho từng nhóm học sinh, điều kiện tổ chức ôn tập chia từng lứa học sinh” - ông Thành chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng với mức độ đề thi như hiện nay bảo đảm sự phân hóa, căn cứ kết quả để nhìn lại quá trình tổ chức dạy học, việc ảnh hưởng của dịch bệnh với dạy học như thế nào, bảo đảm cho học sinh đậu tốt nghiệp.
“Nếu giảm mức độ khó dẫn tới nhiều em học tốt hơn sẽ không công bằng, rất nhiều em trình độ khác nhau mà cũng đạt điểm tối đa thì cũng không hợp lý” - ông Thành nói.
PV Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Bộ GD&ĐT có nên xem xét, xây dựng cơ chế đối với TS xảy ra sự cố? Cụ thể, với trường hợp bất khả kháng không thể đến được điểm thi chính thì có thể thi ở điểm thi gần nhất, để không xảy ra trường hợp đáng tiếc không thể dự thi như hai TS ở Hà Nội? Ông Phong cho biết theo quy chế, việc TS đến muộn 35 phút thì không được dự thi và TS này đã viết tường trình, không dự thi năm nay. Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến của báo Pháp Luật TP.HCM để đánh giá trong thời gian tới.•
Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 24-7
Ông Lê Mỹ Phong cho biết việc chấm thi năm nay cơ bản được thực hiện như năm 2021, theo đúng quy chế thi.
Trong khâu làm phách với bài thi tự luận, địa phương được quyết định phương án làm một vòng hay hai vòng nhưng đều phải quán triệt thực hiện theo quy định.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, một trong những công việc trong thời gian tới là tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho TS và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2022.
Ngày 24-7, các sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp; việc xét công nhận thi tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26-7.
Chậm nhất ngày 30-7, TS được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho TS.