Ngày 15-8, Bộ GD&ĐT triệu tập hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ trong cả nước để lấy ý kiến về việc tổ chức một kỳ thi chung quốc gia. Hội nghị diễn ra trực tuyến ở sáu đầu cầu Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết thúc thảo luận, Bộ GD&ĐT đã nhận được gần 60 ý kiến đóng góp, trong đó đa phần tán thành tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay từ năm 2015 theo phương án 2.
Nghiêng về phương án 2
Đa phần các ý kiến đều cho rằng phương án 2 (xem trong box) là tối ưu nhất và có thể tổ chức ngay trong năm 2015. Chọn phương án 1 sẽ quá nặng nề cho học sinh, phương án 3 tốt nhưng cần phải có thời gian “dài hơi” cho công tác đổi mới dạy và học. Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho rằng nếu tổ chức hai kỳ thi như hiện nay rất tốn kém cho xã hội; tổ chức một kỳ thi như Bộ đưa ra là đúng đắn, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục. Công tác ra đề, coi thi, chấm thi đủ năng lực làm ngay trong năm 2015.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng tỏ ra lo lắng về chất lượng và tính phân loại của kỳ thi. Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội), nhất trí tổ chức một kỳ thi quốc gia, tuy nhiên, cho mục đích thứ hai là xét tuyển vào ĐH-CĐ thì hơi khó. “Kỳ thi để công nhận tốt nghiệp thì từ trước đến nay vẫn làm, còn mục đích thứ hai thì phải bàn. Chất lượng và độ tin cậy như thế nào, phân luồng vào ĐH ra sao…” - ông Dụ nói. Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng tình thi theo phương án 2 nhưng nên mang tính nghiêm túc của thi ĐH vào kỳ thi này.
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi THPT năm 2014 tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đề nghị: “Để giản tiện cho công tác thi, tôi đề nghị tổ chức thi theo hai khối kiến thức là toán và ngữ văn, bất kỳ trường nào cũng thích ứng được và các trường sử dụng thuận lợi”. Theo ông Sơn, tương lai nên hướng đến bài thi đánh giá năng lực tổng hợp, đảm bảo khách quan, trung thực để các trường tin tưởng. Với môn ngoại ngữ, có thể tiến hành đa dạng, tổ chức nhiều đợt và có tính đến vùng miền.
Một kỳ thi quốc gia
Mặc dù đồng tình tổ chức một kỳ thi quốc gia nhưng lãnh đạo nhiều trường cũng tỏ ra nghi ngại chất lượng đầu vào sẽ thấp nếu giao kỳ thi cho các sở GD&ĐT tổ chức. Bởi vậy, ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, bày tỏ mong muốn bỏ kỳ thi phổ thông, giữ lại kỳ thi ĐH. Các trường phổ thông tham gia vào chấm thi và coi thi, còn thanh tra phải là của Bộ và của các trường ĐH.
Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội), đề xuất hai giải pháp “nhằm làm cho kỳ thi này tốt hơn”. Ông Phú cho rằng hiện nay và vài năm tới, các trường ĐH chưa thực sự tin tưởng vào kết quả thi tốt nghiệp THPT tổ chức ở các địa phương, dù Bộ GD&ĐT có huy động lực lượng từ các trường ĐH tham gia coi thi. “Phương án tổ chức thi mà chúng tôi đề xuất về cơ bản giống như phương án Bộ GD&ĐT đưa ra: Đề thi chung, kết quả thi vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Điểm khác biệt nằm ở chỗ các trường ĐH-CĐ đảm nhận coi thi và chấm thi” - ông Phú đề xuất. Ông Phú nói thêm: Điều này “sẽ làm các trường yên tâm tuyển chọn chính xác đầu vào theo tiêu chí riêng của mỗi trường trong khuôn khổ nguyện vọng của thí sinh”.
HUY HÀ
Kỳ thi phải rõ ràng, công bằng, bớt nhiêu khê
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan trọng nhất là phải đảm bảo tổ chức một kỳ thi rõ ràng (thi cái gì, thi như thế nào); công bằng, bớt nhiêu khê nhất; cuối cùng là tổ chức thi thế nào để tạo động lực học tập cho học sinh. Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc để công bố công khai trước dịp khai giảng năm học mới. “Trước thực tế tỉ lệ tốt nghiệp THPT hiện rất cao thì trước mắt kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường ĐH tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới đang làm thì lúc đó kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp THPT là có thể ghi danh vào các trường ĐH - PV)” - phó thủ tướng nhấn mạnh.
H.HÀ - P.ĐIỀN Phương án 2: Thi theo bài Gồm năm bài thi: Bài thi toán, bài thi ngữ văn, bài thi ngoại ngữ, bài thi khoa học tự nhiên (gồm vật lý, hóa học và sinh học) và bài thi khoa học xã hội (gồm lịch sử và địa lý). Có năm buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi một bài thi. Mỗi thí sinh phải thi bốn bài thi gồm ba bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Một bài thi do học sinh tự chọn từ khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Phương án thi và phương án công bố được nghiên cứu công phu, lấy ý kiến đầy đủ các bộ phận. Bộ GD&ĐT tiếp thu và trân trọng tất cả ý kiến thảo luận ngày hôm nay. Hiện ở Bộ có các tổ nhóm tiếp nhận ý kiến và đang phân loại theo nhóm học sinh, sinh viên, thầy cô, cán bộ quản lý, chuyên gia, nhân dân… Bộ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến để có thêm tư liệu xem xét các phương án. Các phản ánh càng đa chiều, tính toán được nhiều lo lắng của nhân dân và các cháu thì phương án thi đưa ra càng hoàn thiện. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN |