Ký túc xá tư nhân đầu năm học được săn tìm

(PLO)- Bên cạnh nhà trọ truyền thống, gần đây mô hình ký túc xá tư nhân được giới trẻ ưa chuộng bởi giá rẻ đi kèm nhiều dịch vụ tiện ích.

Phòng ở ký túc xá (KTX) tư nhân được thiết kế giống KTX các trường nhưng có thêm nhiều dịch vụ tiện ích cao cấp khác. Tùy theo nhu cầu và chi phí của mỗi cá nhân mà có thể chọn phòng 2-10 người.

Giá rẻ, đầy đủ tiện nghi

Anh Lê Thanh Tùng (22 tuổi) đã có bốn năm ở KTX ĐH Quốc gia, khi vừa ra trường Tùng tiếp tục chọn ở KTX tư nhân. Tùng đã ký hợp đồng một năm thuê giường với giá 1,5 triệu đồng/tháng, ở gần trung tâm quận Bình Thạnh.

“Do tính chất công việc sáng đi tối về nên mình chỉ cần một nơi để ngả lưng buổi tối. Đối với những người vừa ra trường như mình, tài chính chưa cao thì KTX tư nhân là một sự lựa chọn hợp lý” - Tùng chia sẻ.

Phòng Tùng có tám người ở nhưng chỉ có một nhà vệ sinh, máy giặt, máy sấy nên khá bất tiện, nhất là vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, người ở chung phải chấp nhận không có không gian riêng tư, không được dắt người thân, bạn bè về phòng…, do đó những ai cần không gian yên tĩnh để học tập, làm việc thì nên cân nhắc.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

(Theo Phòng Cảnh sát PCCC cứu nạn, cứu hộ TP.HCM)

Còn Hồ Hoài Thư (sinh viên (SV) năm hai Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết với giá 1,7 triệu đồng/tháng đã bao gồm các chi phí nên Thư gắn bó với KTX tư nhân tại quận 5 gần hai năm nay. Phòng Thư có sáu người, đa phần là SV.

“Mới đầu mình cũng băn khoăn chọn KTX của trường học hay KTX tư nhân nhưng vì muốn nấu ăn và công việc làm thêm hay về trễ nên mình chọn ở KTX tư nhân. Với giá nhỉnh hơn một chút nhưng bù lại tiện nghi hơn, có máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy… chỉ cần dọn vào ở mà không cần mua sắm gì cả” - Thư cho hay.

w-P12-anh2.jpg
Tám giường ngủ trong một phòng ký túc xá tư nhân trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh. Ảnh: VÕ THƠ

Ngoài ra, KTX ở gần trường học và chỗ làm thuận tiện di chuyển nên Thư tiết kiệm kha khá thời gian, tiền xăng. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh và PCCC đầy đủ nên Thư an tâm gắn bó.

“Ở KTX tư nhân sẽ có những ưu điểm, nhược điểm riêng so với các loại hình khác nhưng theo mình thì khoảng thời gian là SV nên ở KTX vừa rẻ vừa có nhiều kỷ niệm, cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc lúc ốm đau… quan trọng là học được cách sống hòa hợp” - Thư nói.

Cần quan tâm hơn đến quản lý xây dựng đô thị

Chị Phương Thoa, chủ nhà kiêm quản lý KTX tư nhân tại quận 1, cho biết nhà chị có hai tầng cho thuê dạng KTX, sức chứa cho hai tầng lên đến 40 người. Ở tầng 1 có hai phòng, mỗi phòng có năm giường, tương đương với 10 người thuê.

Các phòng được chị lắp máy lạnh, trong đó có giường tầng gồm nệm, bàn xếp, đèn học, tủ quần áo, rèm che, WiFi. Ngoài ra còn được bố trí thêm bàn ghế, khu vực ăn và nấu ăn chung, hai tủ lạnh… Tầng trệt được sử dụng làm nơi để xe, kệ dép, máy giặt, máy sấy. Giá thuê bình quân 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Với giá này vừa túi tiền của SV, người mới ra trường nên chỗ chị Thoa luôn kín giường.

Anh Thanh Bình (32 tuổi) có hai năm kinh nghiệm quản lý một KTX tư nhân tại quận Bình Thạnh cho biết anh thuê nhà nguyên căn ba tầng, sau đó thiết kế lại phòng, bố trí giường như các KTX trường học. Mỗi phòng đều có khu vực sinh hoạt chung và cho phép người ở nấu ăn.

w-P12-anh1.jpg
Mô hình ký túc xá tư nhân được sinh viên và người mới đi làm ưa chuộng bởi giá rẻ và tiện nghi. Ảnh: VÕ THƠ

Theo anh Bình, dịp đầu năm học là thời điểm khách đông, không còn giường trống nên đầu tháng 9 anh tạm ngưng đăng tin tìm người thuê. KTX của anh Bình mỗi phòng có 6-8 người ở. Giá 1,3 triệu đồng/giường, có xe máy thì thu thêm 100.000 đồng. Người thuê đa phần chọn ký hợp đồng sáu tháng hoặc một năm.

Qua sự việc đau lòng của chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, anh Bình cho biết sẽ quản lý người thuê kỹ hơn. Bên cạnh tuyên truyền về PCCC, anh cũng trang bị thêm các bình chữa cháy.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Thu Phong, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện nay nhu cầu nơi ở trong xã hội ngày càng lớn, đặc biệt là ở những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM. Lượng người lao động nhập cư, SV, học sinh cần chỗ ở hợp lý về diện tích, giá thành, điều kiện sống là tiêu chí hàng đầu của họ. Loại hình này bản chất là dạng chia sẻ môi trường ở. Chủ nhà tự cho thuê hoặc thuê lại nhà nguyên căn để kinh doanh có tổ chức với quy mô từ vài đến vài chục SV.

“Những TP càng sôi động, càng nhập cư nhiều thì các mô hình cho thuê phòng, chia sẻ nơi ở càng nở rộ. Điều này không cấm, đây là giao dịch dân sự về chia sẻ chỗ ở, nơi thừa sẽ đáp ứng nhu cầu nơi thiếu.

Những ngôi nhà cho thuê theo loại hình này bản chất là nhà lưu trú trong khu dân cư nhưng bây giờ số nhân khẩu tăng lên. Nếu chủ nhà nhồi nhét nhiều người ở thì giá thành giảm nhưng về mặt môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Mật độ sống của con người cao làm cho hạ tầng, cấp nước, thoát nước, rác thải… bị quá tải. Do đó cần quan tâm hơn đến vấn đề quản lý xây dựng đô thị” - ông Phong nói.

Cần xây dựng văn hóa PCCC trong xã hội

Hầu hết những đám cháy đều đến từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của người ở. Chúng ta nên có nhiều hội thảo, chương trình, chứng chỉ đào tạo cho các chủ nhà cho thuê, thông qua các lớp học ngắn hạn về an toàn PCCC. Trong đó, khuyến cáo, sử dụng điện an toàn; cách quản lý tòa nhà, quản lý người ở… để điều đó trở thành văn hóa PCCC trong xã hội.

Kiến trúc sư NGUYỄN THU PHONG, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm