LTS: Ba tháng qua Trường đua Phú Thọ đóng cửa để chuẩn bị bàn giao mặt bằng cho dự án Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.
Đóng cửa trường đua cũng có nghĩa là cuộc sống của hàng ngàn hộ dân theo nghiệp nuôi và đua ngựa bị xáo trộn, ảnh hưởng và một phần đời sống Sài Gòn trở thành ký ức.
Từ ngày 31-5, sau quyết định “đóng cửa trường đua”, đàn ngựa đua quý gần 2.500 con của hơn 800 hộ nuôi nhiều khả năng sẽ thành “ngựa cỏ” được bán tháo để xẻ thịt.
Nước mắt rơi theo vó ngựa
Chiều mùa hạ, trời chuyển mưa, mây đen kéo vần vũ nhưng ông Nhan Văn Út ở Bình Thủy, Hòa Khánh Đông - Đức Hòa, Long An, vẫn đi lòng vòng quanh các chuồng ngựa như người mất hồn. Hết vòng quanh khu chuồng trống, ông bước ra nhìn bầy ngựa quý đang chồn chân hí vang ngoài bãi. Khối tài sản ba chục ngựa đua, có giá vài tỉ đồng của sáu anh em và đám con cháu ông nuôi ròng rã 30 năm qua nhiều đời giờ có nguy cơ tan thành mây khói.
Ông Nhan Văn Trâm, Chủ tịch “Hội Những người nuôi ngựa”, em ruột ông Út, có vẻ bình tâm hơn. Lo ngựa nhà xong, ông quay sang mắng đám cháu: “Sao không lo đưa ngựa về”. Ông cho biết từ đầu tháng 6 đến giờ, ruột gan ông đau như cắt. Hết nghe điện thoại của các hội viên và an ủi họ, ông lại chạy thăm hàng xóm và rơi nước mắt với cảnh nhìn các hộ nuôi ngựa truyền thống bán tháo để xẻ thịt. Đau. Từ giá vài chục đến vài trăm triệu đồng/con, giờ bán giết thịt chỉ 8-10 triệu đồng để mong trả nợ sớm ngân hàng đồng nào hay đồng đó.
Cả tháng qua, ông cứ thuyết phục bà con giữ ngựa để chờ nhưng ông thú thật là miệng nói thế chứ bản thân ông là chủ tịch hội mà cũng không thấy lối ra. Ông than: “Ngựa đua chứ đâu phải ngựa cỏ. Ngựa đua mà không đua là rớt phong độ liền. Ngay cả tiền chăm ngựa đua cũng khác xa ngựa cỏ. Có đua thì còn “lấy công nó nuôi nó” và hàng trăm hộ còn có cái ăn từ tiếng vó ngựa. Giờ thì nhà nào cũng than thở khi sắp đến hạn phải trả lãi cho ngân hàng. Kiểu này thì sổ đỏ cầm cố chắc cũng theo luôn vó ngựa quá…”.
Ông Nhan Văn Út bên dãy chuồng ngựa đã đầu tư hơn 100 triệu đồng. Ảnh: PHẠM THỌ
Ông Trâm khoe ba con ngựa quý của ông trong đó riêng con Thiên Trang và Phượng Hoàng trước đây giá xấp xỉ 350 triệu đồng thế mà giờ chỉ còn vài triệu đến chục triệu đồng một con nếu làm ngựa thịt. Vừa rồi, sáu anh em nhà họ Nhan họp cả gia đình lại nắm tay nhau thề: “Có phá sản cũng phải giữ được cái truyền thống gia đình trải ba đời nuôi ngựa đua tính từ đời ông nội dãi nắng dầm mưa” nhưng thề xong thì cả nhà lại ôm nhau khóc ròng.
Đức Lập Hạ và nỗi ám ảnh nợ ngân hàng
Trường đua vừa đóng cửa, thương lái ở khu vực phía Bắc và cả vùng ven giáp Trung Quốc đã xuống tận làng nuôi ngựa đua mua giá ngựa thịt để giết lấy huyết thanh.
Các gia đình nuôi ngựa đua truyền thống hàng chục năm giờ đang lo mất giống quý mà có con phải lấy giống từ châu Âu, từ các nước Ả Rập.
Ấp Tân Hòa, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An có đến 80% gia đình nuôi ngựa đua. Nhà ít thì có hai, ba con, nhiều đến cả chục con. Nhưng kể từ ngày có lệnh dừng cuộc đua, xóm làng rơi vào hốt hoảng vì “ôm” ngựa. Đàn ngựa đua một thời giờ cứ thả rong ngoài bãi tìm cỏ gặm còn chủ ngựa thì suốt ngày pha trà ngồi uống khan...
Tiếp chúng tôi anh Nguyễn Văn Nĩ chỉ dãy chuồng ngựa rồi tính: “Ngựa đua chứ đâu phải trâu bò. Mỗi con phải một chuồng riêng tốn lắm. 15 năm qua, con cái tôi ăn học đều nhờ nuôi ngựa đua. Giờ “ôm” ngựa đua mà giá thì chỉ như ngựa thịt thắt hết cả ruột gan với những khoản nợ ngân hàng…”.
Tiếp lời anh Nĩ, ông Lương Minh huỵch toẹt: “Cả ấp này nhà nào nuôi ngựa đua mà không vay ngân hàng. Riêng tôi nợ 260 triệu đồng cho đàn ngựa này đấy. Giờ thì không biết làm sao lấy được sổ đỏ về khi tài sản quý của mình bỗng chốc thành… thịt ngựa”.
Tôi mang chuyện khó khăn của cả xã hỏi một cán bộ địa phương, anh này chia sẻ: “Nợ nần của bà con nuôi ngựa tế nhị lắm. Giờ chú cứ hỏi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện sẽ rõ hết à!. Trước đấy địa phương xác định việc phát triển đàn ngựa đua trong xã giúp nông dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Chỉ cần bán một con ngựa tốt sẽ dư sức trả nợ thôi. Bây giờ thì bán cả đàn cũng chẳng thấm gì khoản nợ…”.
Ông Nhan Văn Trâm đang chăm sóc con ngựa cưng Thiên Trang. Ảnh: PHẠM THỌ
Đó là chưa kể cả ngàn người nghèo còn có cái để ăn theo quanh cái trường đua. Cuối tuần khi vó ngựa tung hoành thì biết bao người nghèo có thu nhập thấp còn có cái nghề để làm như dẫn ngựa, bán nước cùng các dịch vụ quanh Trường đua Phú Thọ. Đùng một cái…
Trong khi UBND TP.HCM giao ban, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn đối tác là Công ty TNHH Thiên Mã nghiên cứu tìm địa điểm, lập dự án… trình lãnh đạo TP xem xét và thành lập trường đua mới ở Củ Chi nhưng tất cả chỉ là dự thảo và bàn bạc. Từ đây đến đó nếu thành cũng phải mất ít nhất là ba năm và trong thời gian đấy thì biết bao giống ngựa sẽ mất. Mà điều này thì chỉ có dân nuôi ngựa mới biết được. Theo dự báo của những nhà có kinh nghiệm nuôi ngựa thì khả năng làng nuôi ngựa sẽ tiêu tan bởi không ai có thể chịu nổi khoản nuôi “chay” không được hỗ trợ cho đến khi có trường đua mới…
Lịch sử Trường đua Phú Thọ Vào năm 1893, “Hội Đua ngựa Sài Gòn” được một nhóm người Pháp, đa phần là sĩ quan và chủ đồn điền, nhà buôn lập ra. Vòng đua ngựa được xây dựng bên trong bãi đất rộng lớn trên đường Général Lize (tục gọi Vườn Bà Lớn). Ngựa đua còn ít nên chỉ có 3-4 đợt đua vào ngày Chủ nhật và mỗi đợt có khoảng 5-7 con ngựa tham gia. Năm 1932, Hội Đua ngựa Sài Gòn mua một khu đất nghĩa địa rộng 48 mẫu tại khu Phú Thọ, cải tạo lại để xây dựng trường đua. Càng về sau hoạt động này càng hấp dẫn lôi cuốn khán giả người Việt ở Sài Gòn và các vùng ngoại ô: Giá Dục, Bà Điểm, Hóc Môn, Đức Hòa…. Khi Nhật đảo chính Pháp, Trường đua Phú Thọ bị quân đội Nhật chiếm đóng, các sĩ quan Nhật vào trường đua lùa bắt hết ngựa giống đem đi. Sau năm 1952, Hội Đua ngựa Sài Gòn thuộc về người Việt dưới sự điều khiển của ông hội Trưởng Bùi Duy Tiên. Hội đã cử người sang Pháp mua thêm ngựa giống để giúp giới chăn nuôi gầy thêm giống ngựa hay. Ngày Sài Gòn được giải phóng, trường đua do Sở TDTT quản lý và một phần diện tích được dùng làm cơ sở đào tạo cán bộ, HLV thể thao và các hoạt động khác. Ngày 11-3-1989, Trường đua Phú Thọ được hồi phục dưới tên gọi CLB Thể thao Phú Thọ với hơn 600 ngựa đua và 70 tay nài thường xuyên hoạt động. Từ năm 2004, CLB Thể thao Phú Thọ hợp tác với Công ty TNHH Thiên Mã nâng cấp trường đua và quản lý hoạt động đua ngựa với trang thiết bị hiện đại. Các đợt đua diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. Lợi nhuận cho TP.HCM bình quân mỗi năm 24 tỉ đồng và góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động trực tiếp lẫn gián tiếp. Sau bảy năm liên doanh, hoạt động đua ngựa đã tạm dừng từ đầu tháng 6-2011. Theo chủ trương của UBND TP.HCM, khu vực này sẽ được dùng để xây dựng Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao TP.HCM. Công ty TNHH Thiên Mã cũng đang liên hệ để chọn lựa địa điểm xây dựng khu trường đua mới tại Củ Chi theo quy hoạch của TP. |
PHẠM THỌ
Kỳ 2: Đời kỵ mã