Kỳ vọng về sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực tố tụng

(PLO)- Năm 2024, kỳ vọng về sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực tố tụng nhờ áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết vụ án…

Trong thông điệp chúc Tết Giáp Thìn 2024, Chủ tịch nước đã gửi kỳ vọng về việc khai mở sức sáng tạo trong mỗi cá nhân, giải phóng các tiềm năng, khơi thông các nguồn lực. Chính những việc làm này sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, để dân tộc ta vững bước tiến lên đạt được nhiều thành tựu cao hơn nữa.

Để thông điệp của người đứng đầu Nhà nước lan tỏa được vào thực tiễn tố tụng hiện nay, có rất nhiều việc mà chúng ta phải tiếp tục phát huy, lẫn thay đổi theo hướng tích cực, nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân…

Xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.

Tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao hồi tháng 3-2023, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Dưới góc độ quản lý, tôi nhận thấy những năm gần đây lượng án nhiều, tính phức tạp tăng, nhất là án dân sự mở rộng, dẫn đến lượng án phải giải quyết của mỗi thẩm phán, mỗi thư ký tăng lên. Tuy nhiên, không vì áp lực đó mà chúng tôi buông lỏng nhiệm vụ.

Lãnh đạo các cấp ngành tòa án đã ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức công việc khoa học, dự báo tình hình dựa trên đặc thù riêng của đơn vị, của địa phương; từ đó giúp ban lãnh đạo xây dựng giải pháp, chương trình kế hoạch cụ thể để xử lý công việc được bài bản, có tính khoa học.

Đối với từng cán bộ, công chức, để có thể góp phần vào những thay đổi tích cực của thực tiễn tố tụng thì trong công việc phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn gian khổ, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn. Thẩm phán phải nắm chắc, nắm vững và thực hiện đúng, thực hiện đủ các nguyên tắc, các quy chế, quy định pháp luật. Khi giải quyết các vụ án, công chức tòa án phải thể hiện sự công tâm, khách quan, trong sáng; thể hiện được sự nhân ái trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.

Luật sư LÊ NGÔ TRUNG, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động

Trong lĩnh vực tư pháp, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải thượng tôn pháp luật; công khai, minh bạch về thủ tục, đảm bảo không tồn tại bất kỳ yêu cầu hay quy định nào được ban hành và áp dụng mà không dựa trên căn cứ pháp lý.

Để giải quyết vấn đề này, quá trình thực thi nếu có vướng mắc thì cần chủ động đưa ra đề xuất để chỉnh sửa cho phù hợp; từ đó dựa trên quy định thông qua hướng dẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, thông tư…) để đưa vào áp dụng và thực thi.

Chẳng hạn như thủ tục cấp thông báo về người bào chữa/người tham gia tố tụng phải đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về tố tụng, trường hợp khó khăn hoặc thường xuyên gặp trở ngại trong việc cấp đúng thời hạn thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung; không thể vì trở ngại trong công tác của đơn vị mà đưa ra thêm các tiêu chí, rào cản không có trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Luật sư HOÀNG KIM MINH CHÂU, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Kỳ vọng nền tố tụng công bằng và minh bạch

Trong hoạt động tố tụng, việc áp dụng công nghệ thông tin, giải pháp trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng sẽ giúp tối ưu hóa quy trình, tăng cường hiệu suất và giảm thời gian xử lý vụ án.

Với vai trò là người quyết định hướng đi của một trong những hành trình tư pháp, HĐXX không chỉ là nơi giải quyết tranh chấp mà còn là nền tảng cho việc phát triển và thúc đẩy sự công bằng trong xã hội. Bằng cách áp dụng các phương pháp mới, đưa ra quyết định linh hoạt và cân nhắc, HĐXX có thể giúp giảm bớt gánh nặng của hệ thống tư pháp và tăng cường; khẳng định chắc chắn sự tin cậy từ phía người dân.

Sự đổi mới trong cách tiếp cận và quy trình xét xử sẽ hướng đến sự minh bạch và hiệu quả hơn trong quản lý vụ án. Đồng thời, việc xây dựng và duy trì tính độc lập luật định của HĐXX cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng quyết định được đưa ra dựa trên luật pháp và bằng chứng, không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ cá nhân, tổ chức nào.

Kiến nghị tổ chức định kỳ tập huấn nghiệp vụ

Thời gian qua, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp, đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Ngoài ra, phần mềm trợ lý ảo cũng là bước đột phá trong chuyển đổi số của hệ thống tòa án. Với công cụ hỗ trợ này, công chức tòa án có thể tra cứu các văn bản, chỉ dẫn áp dụng pháp luật, các câu hỏi tình huống pháp lý, các án lệ và bản án, quyết định đã công bố.

Năm 2024, kỳ vọng về sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực tố tụng. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Do sự phát triển của xã hội, có những vấn đề luật chưa theo kịp, có những vấn đề mà các luật quy định chồng chéo. TAND Tối cao đã tổ chức nhiều buổi trực tuyến hướng dẫn nghiệp vụ, lắng nghe và giải đáp vướng mắc. Có những vấn đề được xử lý ngay tại buổi hội thảo; có những vấn đề hội đồng thẩm phán nghiên cứu và cho ý kiến thêm sau đó, định hướng cho các thẩm phán.

Ví dụ Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án không quy định về thẩm quyền theo lãnh thổ. Thực tế có trường hợp một bên không cư trú tại quận 7 nhưng có yêu cầu TAND quận 7 giải quyết việc ly hôn. Căn cứ mục đích tạo sự thuận lợi và giải quyết nhanh chóng yêu cầu của đương sự của Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án, sau khi họ thuận tình ly hôn thì tòa ra quyết định công nhận hòa giải thành. Tuy nhiên, nếu căn cứ luật tố tụng thì việc giải quyết này thuộc thẩm quyền của tòa nơi bị đơn cư trú. Những tình huống như vậy cần có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Tôi mong rằng các buổi hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao được thực hiện định kỳ hằng quý, để chúng tôi có thể nghiên cứu đầy đủ, tổng kết được những vướng mắc cần trao đổi, vừa nâng cao kiến thức, có thực tiễn, lại thống nhất trong giải quyết…•

Pháp luật đồng hành cùng những người yếu thế

TAND Tối cao đã tiếp thu các ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung cho các dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Riêng về vấn đề thu thập đánh giá chứng cứ thì còn nhiều quan điểm góp ý khác nhau.

Theo tôi, đã lấy tranh tụng làm đột phá thì nên để cho các đương sự tự thu thập và cung cấp cho tòa. Đương sự cung cấp đến đâu tòa xử đến đó. Tòa đảm bảo dân chủ trong tranh tụng, đảm bảo tranh tụng dễ tiếp cận, đảm bảo việc xét xử khách quan, công tâm, trong sáng và kịp thời. Nếu quy định tòa thu thập chứng cứ thì việc giải quyết vụ án có nguy cơ bị kéo dài do nhiều vấn đề phát sinh…

Hiện nay, chúng ta có hệ thống chính trị bảo đảm thông suốt các quyền lợi của người dân; đồng hành cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Tại TAND quận 7, ngay từ khi người dân vào nộp đơn đã được hướng dẫn, sau đó gặp thẩm phán cũng có hướng dẫn về việc được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý. Nếu họ là đối tượng được trợ giúp mà có nhu cầu thì tòa làm thủ tục gửi qua trung tâm trợ giúp pháp lý; nếu họ chưa có nhu cầu thì tòa cũng gửi báo cáo cho trung tâm biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới