Thống kê của Profiles International Việt Nam cho thấy có đến 25% nhân viên xuất sắc ở các công ty được “liệt” vào top nhân viên có tính cách cá biệt. Có tới 75% các nhà quản lý đều nói rằng họ chưa thể thấu hiểu được các nhân viên này. Số còn lại, chưa tới 1/3 các nhà quản lý có thể hiểu được vì sao các nhân viên xuất sắc lại là các nhân viên cá biệt.
Như vậy, sự khó nắm bắt, khó thấu hiểu các nhân viên của mình sẽ không chỉ các lãnh đạo DN mất thời gian thay cho dành tâm sức vào quản lý chung, còn khiến hiệu suất công việc nói chung trong một doanh nghiệp bị giảm sút.
Vậy, làm thế nào để có thể thấu hiểu nhân viên và đặt họ vào một đội ngũ làm việc hiệu quả?
Ảnh minh họa
Khảo sát của chúng tôi đưa ra hai tiêu chí chi phối mạnh mẽ tới cá tính của con người, đó là tính xúc cảm và tính quả quyết. Tùy theo mức độ cao, thấp của hai yếu tố này trong mỗi một người sẽ chi phối đến cá tính, hành vi của người đó.
Chẳng hạn, người chỉ đạo có thể có tính quả quyết rất cao và người ảnh hưởng ngược lại, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc… Tùy theo sự “phân bổ” của các yếu tố này, bảng thống kê có thể đưa ra những “nhận diện” cá tính nhân sự để đặt vào một vị trí công việc trong một hệ thống.
Đó có thể tạm gọi là “lý thuyết DISC” – Thuyết nhận diện cá tính nhân sự mà Profiles VN ví von nó tương tự như nhận diện một chiếc xe hơi của người chủ sở hữu. Ai, đang đi xe nào, thì sẽ có tính cách gì và ngược lại, ai có tính cách gì thì sẽ có xu hướng chọn xe nào.
Một kiểu xe “hầm hố”, tiêu hao năng lượng nhưng luôn ở tư thế dẫn đầu có thể thích hợp với người thẳng thắn, mạnh mẽ, tập trung vào hành động (mẫu D - Dominance – tạm dịch là “Xông xáo”). Một kiểu xe tiên phong, không quan tâm đến giá cả và thậm chí có bề ngoài hào nhoáng, mới mẻ và tất nhiên chạy rất nhanh, sẽ là sựa lựa chọn của người nhiệt tình, có sức thuyết phục và rất lạc quan (mẫu I - Inducement hoặc Influence – tạm dịch là “Nhiệt tình” ).
Xe vừa phải tầm trung, chạy bền sẽ là sự tương thích với người chân thành, thấu hiểu và ổn định (mẫu S - Steadiness – tạm dịch là “Điềm đạm” ), và cuối cùng, chiếc xe có bề ngoài bình thường, kiểu dáng thông dụng, ít nổi bật giữa đám đông chính là hình ảnh của người có tính cách tập trung, cẩn thận và chu đáo (mẫu C- Compliance hoặc Cautiousness hay Conscientiousness – tạm dịch là “Chuẩn mực”).
Lý thuyết DISC đã bắt đầu được phát triển từ năm 1928, khi tiến sĩ William Moulton Marston mô tả về lý thuyết này trong cuốn “Emotions of Normal People” (tạm dịch: Cảm xúc người thường). Tại Việt Nam, lý thuyêt DISC đã bắt đầu được Profiles International VN giới thiệu và đưa ra những công cụ bổ trợ khác, có tinh chỉnh cho phù hợp với đặc trưng, tâm lý con người và môi trường kinh doanh của VN.
Theo DĐDN