Là F0 nhưng không khai báo coi chừng bị xử lý hình sự

 Video: Là F0 nhưng không khai báo coi chừng bị xử lý hình sự
 Mới đây, tại buổi làm việc với Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza), Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đã cho biết thành phố nhận được phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp khi xét nghiệm sàng lọc, phát hiện F0 nhưng âm thầm cho về nhà, không báo địa phương, khiến dịch lây lan ra cộng đồng.

Qua thông tin từ Phó chủ tịch UBND TP có thể thấy tình trạng này rất nguy hiểm. Trong khi số ca nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM thời gian qua liên tục tăng cao. 

Khi các doanh nghiệp phát hiện ca nhiễm COVID-19 mà không xử lý theo quy trình của Sở Y tế mà tự ý cho công nhân về nhà. Kết hợp với việc công nhân nhiễm bệnh trở về gia đình nhưng  với chính quyền địa phương tới khi phát hiện ra đã lây nhiễm qua nhiều chu kỳ. 

Một phụ nữ đang khai báo y tế tại Trạm Y tế phường 9, Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Điều này gây khó khăn cho công tác truy vết dập dịch, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ bùng phát ổ dịch mới.

Nhìn dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này Luật sư Tạ Minh Trình, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Ngày 1-11, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản số 8095/SYT-NVY để hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý khi phát hiện người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, theo hướng dẫn tại Phụ lục I khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất. Trước tiên doanh nghiệp phải tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ ngay cơ quan y tế của địa phương để được hỗ trợ.

Bước hai, nếu F0 có biểu hiện suy hô hấp thì cho thở oxy và đưa F0 đi điều trị. Trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thi cho cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc cách ly tại một địa điểm phù hợp ở địa phương (cơ sở cách ly tập trung của xã, phường, quận, huyện…).

Ngoài ra, trong quy trình xử lý này, Sở Y tế cũng nêu rõ: Đối với các đơn vị doanh nghiệp có cơ sở cách ly tập trung thì tiến hành nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” (tài khoản do Sở Y tế cung cấp).

Đối với đơn vị không có cơ sở cách ly tập trung thì báo cáo danh sách F0 về trung tâm y tế quận, huyện nơi doanh nghiệp hoạt động để nhập dữ liệu vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”.

Như vậy, có thể thấy theo quy định hiện nay, khi phát hiện F0 các doanh nghiệp phải có trách nhiệm xử lý, quản lý F0 và thông báo cho các cơ quan liên quan để phối hợp thực hiện.

Xét về góc độ F0 được cho về nhà nhưng không khai báo tuỳ vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra mà người F0 này sẽ phải đối diện với các hậu quả pháp lý khác nhau.

Ở mức độ nhẹ thì sẽ bị xử phạt theo điểm a, Khoản 3 Điều 7, Nghị định số 117/2020 với mức phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân (dịch bệnh COVID-19 được xác định là nhóm A).

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, F0 không khai báo, giấu bệnh dẫn đến làm lây nhiễm cho nhiều người khác hoặc thậm chí làm bùng phát ổ dịch thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm