Lại tranh chấp về cơ quan bồi thường oan

(PLO)- Hai chủ doanh nghiệp được xác định bị oan nhưng mòn mỏi chờ bồi thường vì cơ quan nhà nước chưa xác định được ai có trách nhiệm giải quyết bồi thường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-5, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo gửi Cục Bồi thường nhà nước về việc giải quyết bồi thường cho vợ chồng bà Ngô Thủy Lan và ông Phạm Văn Hổ, người được xác định bị oan trong một vụ án hình sự do cơ quan tố tụng tỉnh này giải quyết.

Trong báo cáo của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai nêu rõ đây là vụ việc đặc biệt phức tạp do có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng của tỉnh Đồng Nai.

Vợ chồng ông Hổ chờ đợi ngày được cơ quan tố tụng xin lỗi công khai và bồi thường. Ảnh: VŨ HỘI

Vợ chồng ông Hổ chờ đợi ngày được cơ quan tố tụng xin lỗi công khai và bồi thường.
Ảnh: VŨ HỘI

Cặp vợ chồng từng bị tuyên án tù oan

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2012, Công ty TNHH Minh Khiêm do bà Lan làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Hổ làm phó giám đốc (có trụ sở tại thị xã Long Khánh, nay là TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã huy động vốn của nhiều người, tổng cộng 4 tỉ đồng.

Ngày 23-2-2012, Công an thị xã Long Khánh khởi tố bị can và tạm giam bà Lan để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Đồng Nai điều tra theo thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó VKSND thị xã Long Khánh quyết định đình chỉ vụ án.

Lúc này, khi vợ chồng bà Lan yêu cầu được bồi thường vì bị oan thì đến tháng 12-2013, VKSND tỉnh Đồng Nai phục hồi điều tra và giao Công an thị xã Long Khánh khởi tố, bắt giam bà Lan.

Tương tự bà Lan là ông Hổ (chồng bà Lan), ông Hổ bị tạm giam từ tháng 5-2012 đến tháng 8-2012 thì được cho tại ngoại, sau đó được đình chỉ. Đến tháng 1-2014, CQĐT quyết định phục hồi điều tra.

Tháng 4-2015, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt bà Lan 16 năm tù, ông Hổ 10 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa ra lệnh bắt giam bà Lan ngay tại tòa và buộc ông bà bồi thường 3,75 tỉ đồng cho các bị hại.

Đến tháng 10-2015, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND tỉnh Đồng Nai điều tra lại với lý do cấp sơ thẩm chưa làm rõ các tài liệu còn mâu thuẫn, chưa thu thập các tài liệu xác định hành vi của các bị cáo là giao dịch dân sự hay hình sự.

Sau khi có kết quả điều tra lại, VKSND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu CQĐT điều tra bổ sung bốn lần. Hai lần điều tra bổ sung ban đầu, CQĐT đều chuyển hồ sơ qua VKS đề nghị truy tố nhưng VKS tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Điều tra bổ sung lần ba và bốn, CQĐT không ra kết luận điều tra bổ sung mà có văn bản trao đổi với VKS. CQĐT cho rằng các nội dung mà VKS yêu cầu đã được xác minh, làm rõ trong kết luận điều tra bổ sung lần một và lần hai.

Nhận thấy hành vi của vợ chồng bà Lan không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên VKS quyết định không truy tố. Đến ngày 10-8-2020, VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định đình chỉ vụ án và quyết định đình chỉ vụ án đối với các bị can vì xét thấy hành vi của bà Lan và ông Hổ không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an nói tòa có trách nhiệm bồi thường

Sau hai năm được xác định bị oan do hành vi không cấu thành tội phạm, vợ chồng bà Lan - ông Hổ đã nhiều lần làm đơn gửi cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai yêu cầu được bồi thường.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tư pháp tỉnh tham mưu trong việc xác định đơn vị có trách nhiệm bồi thường trong vụ án này. Do đó, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi đến Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) xin ý kiến.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, vợ chồng bà Lan - ông Hổ bức xúc: “Tỉnh Đồng Nai lại tiếp tục đề xuất Ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành tố tụng trung ương xin ý kiến. Trong khi đó, trước kia Cục Bồi thường nhà nước đã họp liên ngành cơ quan tố tụng trung ương xác định được đơn vị bồi thường là Công an tỉnh Đồng Nai rồi. Vụ án đã kéo dài suốt 10 năm, vợ chồng tôi mong ngóng kết thúc sớm”.

Theo văn bản trả lời ngày 14-5-2021, Cục Bồi thường nhà nước cho biết đã phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an để trao đổi nghiệp vụ. Từ đó, Cục Bồi thường nhà nước cho rằng CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017.

Ngày 9-6-2021, Sở Tư pháp đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh xác định CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai là cơ quan giải quyết bồi thường đối với vụ việc của vợ chồng bà Lan.

Tuy nhiên, vào ngày 14-3-2022, CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai có báo cáo gửi Sở Tư pháp và UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng cơ quan giải quyết bồi thường án oan cho bà Lan, ông Hổ là TAND tỉnh Đồng Nai (cơ quan tuyên án sơ thẩm), theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN.

Ngoài ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã có các báo cáo về kết quả rà soát, đánh giá tài liệu, chứng cứ vụ án và xin ý kiến hướng dẫn của Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến hướng dẫn.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai và đề xuất Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục có văn bản đề xuất Ban Nội chính Trung ương chủ trì họp liên ngành tố tụng trung ương để xem xét lại vụ việc theo đúng quy định pháp luật.•

Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết bồi thường

Trong vụ việc trên, đối chiếu với Luật TNBTCNN năm 2017, có hai quy định liên quan đến việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Thứ nhất, CQĐT là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp VKS quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, CQĐT ra kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra mới đề nghị truy tố nhưng VKS ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, theo khoản 3 Điều 34 Luật TNBTCNN năm 2017.

Trong trường hợp này, VKS quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có thể vụ án đó chưa được truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hủy để điều tra lại; cũng có thể vụ án đó đã được truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hủy để điều tra lại. Và sau khi VKS quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, CQĐT ra kết luận điều tra bổ sung hoặc kết luận điều tra mới đề nghị truy tố nhưng VKS ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can.

Thứ hai, tòa án cấp sơ thẩm là cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN năm 2017.

Trong trường hợp này, nếu sau khi tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, VKS đình chỉ giải quyết vụ án ngay thì tòa án cấp sơ thẩm là cơ quan giải quyết bồi thường. Hay sau khi VKS quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, CQĐT không ra kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố lại bị can mà bị can được đình chỉ điều tra, vụ án được đình chỉ thì tòa án cấp sơ thẩm là cơ quan giải quyết bồi thường. Bởi lẽ lúc này, tòa án cấp sơ thẩm chính là cơ quan có quyết định gây oan sau cùng.

Đối chiếu với các quy định trong hai trường hợp nêu trên, vợ chồng bà Lan - ông Hổ bị oan thì tòa án cấp sơ thẩm không phải là cơ quan giải quyết bồi thường theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN năm 2017, mà CQĐT mới là cơ quan giải quyết bồi thường theo khoản 3 Điều 34 Luật TNBTCNN năm 2017.

Tôi cho rằng tình tiết của vụ việc và quy định của pháp luật đã tương đối rõ ràng. Hơn nữa, tinh thần của Luật TNBTCNN năm 2009 về cơ quan có trách nhiệm bồi thường và Luật TNBTCNN năm 2017 về cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan gây oan sau cùng. Trong vụ việc này, CQĐT chính là cơ quan gây oan sau cùng bằng kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố bị can.

ThS NGUYỄN TRƯƠNG TÍN, Phó Giám đốc Công ty Luật Tri Ân

(MINH CHUNG ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm