Lấn cấn cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường án oan

Trên các số báo gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin về chuyện bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh bị các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa, Phú Yên kết tội “mua bán trái phép chất ma túy” oan nhưng chưa cơ quan nào nhận lãnh trách nhiệm bồi thường.

Trước đó, không chỉ các cơ quan liên quan ở Phú Yên mà các cơ quan tố tụng trung ương và Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) cũng có những ý kiến khác nhau về cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tại buổi tọa đàm “Bồi thường án oan: Bất cập và giải pháp” do báo tổ chức vào sáng 13-6, nhiều giảng viên, luật sư cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc trên.

VKS phải bồi thường

TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn luật hình sự, ĐH Luật TP.HCM) cho rằng: Trong vụ án này, cần chú ý về quá trình tố tụng hình sự (TTHS) liên quan đến bà Anh. Sau khi TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm và hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa đối với bà Anh để điều tra lại thì đã có vòng tố tụng lần hai.

Cụ thể: Ngày 27-12-2015, cơ quan điều tra (cqđt) Công an TP Tuy Hòa ra Kết luận điều tra bổ sung số 01; ngày 19-1-2016, VKSND TP Tuy Hòa ra Cáo trạng số 04; ngày 24-9-2016, TAND TP Tuy Hòa ra Quyết định số 11 trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (để làm rõ vai trò đồng phạm giúp sức của bà Anh).

Như vậy, trong vụ án này, VKS ra cáo trạng truy tố bà Anh lần hai nhưng tòa án trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung và nhiều lần sau đó trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung khi VKS tiếp tục truy tố bà Anh.

Thực tế này dẫn đến hai kết luận:

Thứ nhất, VKS là cơ quan gây thiệt hại ở giai đoạn tố tụng cuối cùng cho bà Anh thông qua hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự dưới hình thức ra cáo trạng.

Thứ hai, tại vòng tố tụng thứ hai, tòa án không gây thiệt hại cho bà Anh vì chưa xét xử bà Anh.

Thứ ba, sau khi bị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, việc VKS đã không thể tự mình điều tra bổ sung được mà trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung không làm mất đi sự gây thiệt hại cho bà Anh của VKS ở giai đoạn truy tố.

Tiêu chí để xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động TTHS là cơ quan gây thiệt hại cho người bị buộc tội trong hoạt động TTHS ở giai đoạn tố tụng sau cùng. Tinh thần này được cụ thể hóa thành các trường hợp mà CQĐT, VKS, tòa án phải giải quyết bồi thường theo các quy định tại Điều 34, 35, 36 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN).

Trên cơ sở đó, cơ quan gây thiệt hại ở giai đoạn tố tụng sau cùng trong vụ án này chính là VKSND TP Tuy Hòa vì đã ra cáo trạng truy tố bà Anh nhưng đã bị tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Cơ sở pháp lý để VKS có trách nhiệm giải quyết bồi thường quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật TNBTCNN.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Bồi thường án oan: Bất cập và giải pháp” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 13-6. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều luật sư cũng đồng tình với quan điểm của TS Anh Tuấn. TS Lê Huỳnh Tấn Duy (Trưởng bộ môn TTHS, ĐH Luật TP.HCM) nhận định thêm đây là hoạt động bồi thường trong TTHS chứ không phải bồi thường thuần túy của luật dân sự điều chỉnh nên phải xuất phát từ tố tụng trước.

Kết luận buộc tội cuối cùng của một cơ quan và cơ quan liền sau đó phát hiện và ra quyết định đình chỉ điều tra thì cơ quan trước phải bồi thường.

Nếu CQĐT chuyển hồ sơ qua VKS, đề nghị truy tố nhưng VKS đình chỉ thì CQĐT bồi thường. Tuy nhiên, trong vụ này, VKS đề nghị CQĐT giám định chữ ký của điều tra viên ba lần và sau đó VKS tự mình trưng cầu giám định mới xác định chữ ký là của điều tra viên. Khi phát hiện ra tình tiết này, đáng lẽ VKS nên ra quyết định đình chỉ vụ án thì CQĐT chính là cơ quan gây thiệt hại và phải bồi thường nhưng VKS lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung nên VKS chính là cơ quan phải bồi thường.

Tòa phải bồi thường

Luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP.HCM) nêu quan điểm: Chúng ta cần thống nhất với nhau một điều này, từ khi khởi tố ban đầu cho đến khi kết thúc bằng quyết định đình chỉ điều tra; cho dù qua nhiều giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, sau đó bị hủy án trở về điều tra lại, rồi lại truy tố rồi lại đưa qua tòa, tòa trả lại.

“Suốt quá trình này là quá trình tố tụng của một vụ án, bởi vì nếu cắt ra sẽ vi phạm nguyên tắc thống nhất trong hoạt động tố tụng. Không thể cắt khúc sau giai đoạn bị hủy án và xem nó như một giai đoạn mới” - luật sư Long nói.

Trong vụ án của bà Anh, không có việc khởi tố lại, chỉ có điều tra lại, điều tra bổ sung rất nhiều lần. Hầu hết các ý kiến căn cứ vào khoản 4 Điều 35 Luật TNBTCNN để cho rằng VKS phải bồi thường nhưng như vậy là đã cắt khúc các giai đoạn tố tụng.

Tòa án cấp sơ thẩm là cơ quan phải giải quyết bồi thường trong trường hợp:

“Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN 

“Hồ sơ bị hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại thì đây lại thuộc về trách nhiệm của tòa án. Điều 36 thể hiện rất rõ điều đó. Khoản 4 Điều 35 chỉ nói rằng tòa án sơ thẩm trả hồ sơ, đó là giai đoạn đầu tiên, chưa thông qua bất kỳ một hoạt động xét xử nào thì như vậy trách nhiệm của VKS là đúng. Về mặt tố tụng, không được cắt khúc khiến sai phạm giai đoạn đầu coi như bỏ, không được, vậy thì còn gì là trách nhiệm bồi thường nữa” - luật sư Long nhận định.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm là đúng với trường hợp của bà Anh.

Theo đó, cần phải căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN để xác định TAND TP Tuy Hòa phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Anh.

Đồng quan điểm, ThS Võ Văn Tài (Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) nói thêm: Kết luận điều tra và cáo trạng không phải là cái mốc để xác định trách nhiệm bồi thường. Trong vụ án của bà Anh, mốc đầu tiên là phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, mốc thứ hai là bản án tuyên có tội. Khi tòa án ra bản án tuyên có tội, lúc đó nó phát sinh mốc thứ ba để chúng ta xác định trách nhiệm bồi thường. Và khi tòa đã tuyên bị cáo có tội thì lúc đó toàn bộ trách nhiệm bồi thường được chuyển sang cho tòa.

Với vụ của bà Anh, TAND TP Tuy Hòa đã tuyên có tội, sau đó bị TAND tỉnh Phú Yên hủy án thì quy trình tố tụng chuyển sang vòng thứ hai. Với việc vụ án được đình chỉ ở vòng thứ hai này, trách nhiệm bồi thường vẫn thuộc về tòa án. Nói cách khác, tòa án chỉ thoát được trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này khi có việc mở phiên tòa sơ thẩm lần hai và tuyên bị cáo không phạm tội. Do điều này chưa xảy ra nên vụ việc nằm hoàn toàn trong phạm vi điều chỉnh của điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN.

Ý kiến của báo Pháp Luật TP.HCM

Thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy số ý kiến cho là VKSND Tuy Hòa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhiều hơn số ý kiến cho rằng TAND TP Tuy Hòa phải bồi thường. Đơn cử, có ba cơ quan cho là VKSND TP Tuy Hòa phải chịu trách nhiệm bồi thường. Gồm có: TAND TP Tuy Hòa, TAND Tối cao, Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp). Trong khi đó, chỉ có mỗi VKSND TP Tuy Hòa cho rằng TAND TP Tuy Hòa phải bồi thường. Riêng VKSND Tối cao thì cho là CQĐT TP Tuy Hòa phải bồi thường.

Tại buổi tọa đàm sáng 13-6, kết quả khảo sát của báo Pháp Luật TP.HCM cũng cho thấy số người chọn VKSND TP Tuy Hòa phải bồi thường nhiều hơn số người chọn TAND TP Tuy Hòa phải bồi thường và không ai chọn CQĐT phải bồi thường.

Cùng căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 36 Luật TNBTCNN, báo Pháp Luật TP.HCM cũng cho rằng TAND TP Tuy Hòa phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai. Lý do là các quy định của điều luật này rất phù hợp với các diễn tiến trước, sau của vụ án, không có chữ nào có thể bị trật đi cả.

Nói cách khác, trường hợp bị oan của bà Nguyễn Hồng Ngọc Anh thỏa mãn điều kiện cần (tòa sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng sau đó tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại) và cả điều kiện đủ (mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra…) quy định trong điều luật nói trên. Ngoài ra, điều luật nói rõ là “mà sau đó bị can được đình chỉ” chứ không nêu ra tình huống đình chỉ sau khi VKS ra cáo trạng truy tố rồi tòa trả hồ sơ hay đình chỉ khi VKS không ra cáo trạng; điều luật cũng không yêu cầu VKS hay CQĐT đình chỉ thì mới thỏa mãn điều kiện đủ này.

Do vậy, sẽ rất ổn thỏa, hợp lý khi áp dụng quy định này để giải quyết sự việc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm