Làm cầu bắc qua sông: Doanh nghiệp du lịch lo ngại

(PLO)- Liên quan đến thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 với 10 m, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên sông Sài Gòn cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch đường thủy.

Ông An Sơn Lâm, đơn vị đầu tư thuyền buồm Đông Dương khai thác tuyến sông Sài Gòn, cho biết đơn vị này thực chiến trên sông Sài Gòn 20 năm nay. “Cứ mỗi lần nghe Nhà nước làm cầu đã sởn da gà. Khi có cầu Thủ Thiêm 1, cầu Ba Son, chúng tôi hết đường lên cầu Sài Gòn. Hiện nay, công ty đành phải hạ thuyền buồm xuống và kết cấu cũng không đẹp như trước đó để chui qua cầu” - ông Lâm nói. Ông Lâm cũng cho biết nếu Nhà nước cứ xây cầu nữa cũng khiến doanh nghiệp mất ăn mất ngủ.

Theo ông Lâm, lâu nay để qua được các gầm cầu, công ty này đã phải “cưa cắt” cột buồm hoặc đợi nước xuống để chui qua. Ông Lâm đề xuất khi Nhà nước làm cầu thì cần tính toán cây cầu với tầm nhìn 100 năm tới, không chỉ với ngành du lịch mà còn với cả giao thông thủy.

Tương tự, ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn (khai thác tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè), cho biết TP cần tính toán thật kỹ về tĩnh không cầu Thủ Thiêm, theo đó phải xác định khu cảng Sài Gòn - Khánh Hội phải làm gì. Bởi chỉ một cây cầu sai sẽ làm mất đi thế mạnh, tiềm năng vốn có của khu vực này. Nếu buộc phải làm, TP cần suy nghĩ cầu không chỉ để đi mà còn là giá trị kiến trúc, là một công trình mang dấu ấn cả một thời đại.

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, khẳng định TP.HCM có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế và du lịch đường biển. Để giữ lại những lợi thế, phát huy giá trị lịch sử cần trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt của những người đứng đầu TP.

“Tôi cho rằng với một vị trí, một lợi thế đặc biệt như thế, TP cần tìm cách đầu tư, duy trì và bảo tồn. TP có thể làm ngầm Thủ Thiêm 4 được không, chúng ta cần đầu tư thật tốt cho tương lai để mang lại giá trị lâu dài” - ông Sơn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới