Lâm Đồng: Huyện Bảo Lâm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập

(PLO)- Được thành lập từ năm 1994, đến nay huyện Bảo Lâm đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một địa phương năng động, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, là một trong bốn địa bàn trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 31-12, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.

Năm 1994, huyện Bảo Lâm được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Bảo Lộc cũ. Huyện Bảo Lâm thời điểm thành lập có diện tích 146.272 ha, dân số 62.211 người, toàn huyện có 11 xã và một thị trấn.

Đến nay huyện Bảo Lâm có 13 xã, 1 thị trấn với dân số là 122.989 người, gồm 31 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Huyện Bảo Lâm kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Ảnh: VT

Bảo Lâm trước đây là một vùng đất rộng lớn với tên gọi B’Lao, là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc Mạ, K’Ho.

Ngày 19-8-1957, Chi bộ Đảng đầu tiên của vùng đất này được thành lập, từ đó trở đi, dưới lá cờ vinh quang của Đảng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Lâm luôn đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn vượt qua khó khăn, thử thách, sẵn sàng chiến đấu, giải phóng quê hương.

Trong các cuộc kháng chiến đã có nhiều người con quê hương Bảo Lâm anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu vì độc lập tự do của dân tộc.

Đại biểu và người dân huyện Bảo Lâm mừng huyện nhà tròn 30 năm tuổi. Ảnh: VT

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Nhân dân huyện Bảo Lâm trong các cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho bốn xã, gồm Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Nam và Lộc An.

Sau 30 năm, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện phát triển khá nhanh và ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 23,59%/năm, theo hướng phục vụ nông nghiệp - nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.

Sản xuất nông nghiệp trong huyện đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với chế biến, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.

Hạ tầng giao thông phát triển một cách đồng bộ, đảm bảo chất lượng bền vững, từng bước tiến tới hiện đại; gắn kết mạng lưới giao thông khu vực nông thôn với mạng lưới giao thông của huyện, của tỉnh, tạo sự kết nối thông suốt, đảm bảo lưu thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, huyện Bảo Lâm thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và thực hiện tốt đoàn kết trong Đảng, chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; cũng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.

Khi mới thành lập, đảng bộ huyện có 29 tổ chức đảng với 578 đảng viên, đến nay đảng bộ huyện có 56 tổ chức đảng với hơn 3.400 đảng viên.

Ngày nay, Bảo Lâm đang từng bước chuyển mình vươn lên trở thành một địa phương năng động, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, là một trong bốn địa bàn trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng.

Theo báo cáo, thu nhập bình quân đầu người từ 3,1 triệu đồng/người vào năm 1994 tăng lên hơn 69 triệu đồng/người năm 2024.

Thu ngân sách nhà nước năm 1994 là 4,9 tỉ đồng thì năm 2024 thu ngân sách nhà nước đạt là 1.037 tỉ đồng, (tăng 212 lần). Tổng thu ngân sách trong 30 năm đạt 11.305 tỉ đồng.

Hộ nghèo năm 1994 là 11,5%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 46,4%, đến năm 2024 hộ nghèo giảm xuống còn 1,15%, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 2,41%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới