Lạm dụng thuốc giảm đau, hậu quả khôn lường

Hiện nay người dân có thể tìm mua nhiều loại thuốc giảm đau tại các nhà thuốc mà không cần kê toa của bác sĩ (BS). Thế nhưng thói quen tự ý dùng thuốc giảm đau này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.

Nhiều trường hợp nhập viện

Tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, cách đây khoảng một tháng, khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận cụ ông TVT (75 tuổi, ngụ Long An) được người nhà đưa đến trong tình trạng tụt huyết áp, ói ra máu. Ngay lập tức, cụ ông được cho nội soi để tìm nguyên nhân gây chảy máu. Hình ảnh nội soi cho thấy dạ dày của bệnh nhân có điểm loét đang phun máu. Bệnh nhân được chích thuốc cầm máu điểm loét, truyền dịch, truyền máu để ổn định tình trạng. Tìm hiểu từ phía người nhà, các BS được biết hai ngày trước, cụ ông phụ sửa nhà với gia đình nên bị đau lưng. Thấy vậy, người nhà ra nhà thuốc mua thuốc giảm đau cho ông uống, tuy nhiên uống được hai ngày thì ông bất ngờ bị ngất xỉu. Nghĩ cụ ông phụ việc quá sức nên người nhà cho ông nghỉ ngơi, không ngờ ông ói ra máu, tụt huyết áp nên vội đưa đi cấp cứu. Các BS nhận định thuốc giảm đau là nguyên nhân làm cho dạ dày bị xuất huyết. Có thể cụ ông đã có ổ loét dạ dày từ trước, việc uống thuốc giảm đau càng làm cho ổ loét nghiêm trọng và ăn lan trúng mạch máu.

Một trường hợp khác là anh TVC (45 tuổi), vốn bị đau đầu viêm xoang đã lâu, nghe bạn mách thuốc giảm đau trị viêm xoang hay nên anh C. tìm uống. Khi uống đến ngày thứ ba thì anh bị đau bụng dữ dội nên nhập BV cấp cứu. Kết quả chụp CT cho thấy anh bị thủng dạ dày, phải phẫu thuật. Các BS nhận định trường hợp này nếu để trễ thì dịch, thức ăn từ dạ dày sẽ trào ra, gây viêm phúc mạc, nguy hiểm tính mạng.

Ngoài xuất huyết hệ tiêu hóa sau khi uống thuốc giảm đau, các BS tại BV cũng từng tiếp nhận một số ca dị ứng với thuốc giảm đau. Gần đây nhất là anh NL (35 tuổi), hay bị đau khớp nên nghe bạn mách uống thuốc giảm đau. Bản thân anh L. có tiền sử hay dị ứng nổi mề đay từ trước. Sau khi uống được một liều thuốc giảm đau, anh L. bị nổi mẩn ngứa, phù toàn thân, đi tiểu không được nên vào BV cấp cứu. Các BS cho hay trường hợp anh L. nếu nghĩ bị dị ứng thông thường mà tìm mua thuốc uống, kéo dài thời gian đi cấp cứu thì rất dễ dẫn đến suy gan, suy thận không hồi phục.

BS Nguyễn Viết Hậu đang khám cho một bệnh nhân bị biến chứng do lạm dụng thuốc giảm đau. Ảnh: HL

Nhiều tác hại lâu dài

BS CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay tại các nhà thuốc, khi khai đau đầu, đau lưng, chấn thương, thoái hóa khớp..., người dân dễ dàng được kê nhiều loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thuốc giảm đau có nhiều tác dụng phụ mà người dân chưa lường trước được. Khoa Cấp cứu của BV thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bệnh lý do tác dụng phụ của thuốc giảm đau, trong đó các bệnh lý cấp tính như thủng, xuất huyết đường tiêu hóa, dị ứng không hiếm gặp.

Liều lượng phải phù hợp cơ địa

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, đối với người có sẵn bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch, thận mạn, viêm gan, việc tự ý dùng thuốc giảm đau có thể khiến bệnh trầm trọng hơn như suy gan, suy thận, thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp. Do đó khi cần dùng thuốc giảm đau, bệnh nhân nên hỏi BS để được đánh giá liều lượng phù hợp. 

Ngoài ra, BV cũng ghi nhận nhiều trường hợp tự ý sử dụng lâu dài thuốc giảm đau, đặc biệt các thuốc giảm đau Đông y pha trộn nhiều chất hoặc thuốc Tây y mạnh có thể giữ muối, giữ nước lâu ngày, gây nhiều biến chứng cho người bệnh như tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, loãng xương, đái tháo đường... Có nhiều trường hợp bị suy tuyến thượng thận, tự ý dùng thuốc giảm đau thời gian lâu gây suy giảm sức đề kháng, rất dễ nhiễm trùng khiến việc điều trị khó khăn không hiếm gặp.

Ngoài ra, lạm dụng và sử dụng thuốc giảm đau lâu dài còn có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. “Đối với những chấn thương đau sơ sài, người bình thường có thể chịu đựng được và không cần dùng thuốc giảm đau. Thế nhưng đối với người nghiện thuốc, khi gặp chấn thương nhỏ họ cũng sẽ không chịu được, bắt buộc phải dùng và tăng liều lượng thuốc liên tục” - BS Hậu cho hay.

Do đó, BS Hậu khuyến cáo người dân không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau mà nên dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của BS. “Khi được BS kê đơn thuốc giảm đau, người bệnh nên chú ý khai báo có cơ địa dị ứng, tình trạng đường ruột, dạ dày để BS kê toa phù hợp hoặc tư vấn thời điểm uống thuốc thích hợp. Một điểm lưu ý quan trọng khi uống thuốc giảm đau là tuyệt đối không uống khi đói vì có thể gây viêm, loét, nặng hơn là xuất huyết, thủng đường tiêu hóa” - BS Hậu lưu ý.

Sau khi uống thuốc giảm đau, nếu thấy những triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở, lên cơn hen suyễn thì phải vào BV để cấp cứu. Ngoài ra, nếu uống thuốc xong mà cảm thấy đau bụng dữ dội, đau không giảm, nôn ói thì cũng phải nhập BV để BS kiểm tra đường tiêu hóa. Đối với người có bệnh tim mạch, bệnh thận mạn, viêm gan, sau khi uống cảm thấy khó chịu hoặc cảm giác khác lạ thì nên đến cơ sở y tế để kiểm tra. Đôi khi người bệnh chưa có biểu hiện bên ngoài nhưng bằng các xét nghiệm bên trong, các BS sẽ đánh giá tác động phụ của thuốc giảm đau lên tế bào gan, thận cho người bệnh để điều chỉnh phù hợp.

BS CKII NGUYỄN VIẾT HẬU, Phó Trưởng khoa Cấp cứu,
BV ĐH Y Dược TP.HCM
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm