Nhìn vào giá cả có thể dễ nhầm tưởng là được mua rẻ nhưng không phải vậy. Khi mua nhà không có sổ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Một trong những khó khăn là xác định nguồn gốc tài sản, xin phép sửa chữa, không thể đem bất động sản đó thế chấp khi có nhu cầu vay vốn.
Theo luật sư Trịnh Công Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM, có rất nhiều trường hợp người mua phải chấp nhận mua nhà chưa hoặc không có sổ hồng. Vậy làm sao để đảm bảo quyền lợi chính đáng khi mua bán như vậy? Luật sư Minh đưa ra một số khuyến cáo.
Trước hết, người mua phải tìm hiểu xem ngôi nhà xây dựng từ khi nào, có phù hợp quy hoạch không, có thuộc trường hợp cấm xây dựng không, có thuộc diện phải thu hồi theo quy hoạch và đã có thông báo thu hồi chưa; có được UBND xã xác nhận là không tranh chấp không. Tiếp đến là các thông tin như đất xây nhà là đất thổ cư hay là đất khác. Nhà, đất có nằm trong quy hoạch không, có tranh chấp không. Một trong những cách tìm hiểu nhanh chóng và hiệu quả là tìm hiểu thông tin từ người sống quanh khu vực có nhà, đất; UBND cấp xã nơi có nhà và đất để hỏi thông tin.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên bán, bên chuyển nhượng xem họ có đủ năng lực hành vi dân sự không và có đủ điều kiện để tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất không. Trong trường hợp bên bán đã có vợ (có chồng) thì hợp đồng mua bán, chuyển nhượng phải có sự tham gia của cả hai vợ chồng. Việc kiểm tra này để đảm bảo người bán là người có quyền bán, chuyển nhượng nhà đất, đủ điều kiện để thực hiện giao dịch, đồng thời tránh trường hợp bị vô hiệu do không đáp ứng được về chủ thể tham gia giao dịch.
Ngoài ra, người mua cần yêu cầu bên chuyển nhượng giao bản chính các giấy tờ về nguồn gốc nhà, đất (các giấy tờ giao dịch trước đó). Bước này giúp cho người mua biết được nhà, đất đó có giấy tờ pháp lý hay chưa, có đủ điều kiện để chuyển nhượng nhà, đất theo quy định pháp luật hiện hành hay không.
Khi làm hợp đồng mua bán nên mời người làm chứng, có thể yêu cầu bên bán điểm chỉ bằng ngón trỏ phải vào hợp đồng. Điều này đảm bảo về việc mua bán, chuyển nhượng là tự nguyện, không có sự ép buộc của các bên khi tham gia giao dịch. Bước này cũng là căn cứ để bảo vệ quyền lợi cho người mua khi có tranh chấp xảy ra. Người mua phải yêu cầu bên bán, bên chuyển nhượng làm ủy quyền để bên mua, bên nhận chuyển nhượng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đất đai, nhà ở. Việc thanh toán thực hiện tại ngân hàng hoặc yêu cầu bên bán, bên chuyển nhượng viết giấy biên nhận tiền; nhận bàn giao nhà, đất ngay sau khi thanh toán tiền.