Làm gì để được hưởng mức BHYT cao nhất?

(PLO)- Nhiều câu hỏi thắc mắc của bạn đọc đã được giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tham gia BHYT, người dân cần làm gì để hưởng quyền lợi cao nhất”.

Sáng 14-11, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp với cơ quan BHXH TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tham gia BHYT, người dân cần làm gì để hưởng quyền lợi cao nhất”.

Buổi giao lưu đã giải đáp nhiều câu hỏi thắc mắc của bạn đọc gửi đến liên quan đến những chính sách, chế độ, thủ tục khi đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT.

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến có bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM; ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM và các chuyên gia tư vấn là lãnh đạo của một số phòng, ban chuyên môn của cơ quan BHXH TP.HCM.

Quỹ BHYT không giới hạn mức hưởng

Bạn đọc Nguyễn Khoa hỏi: Cha tôi bị thận nhưng có một số thuốc liên quan về thận không được Quỹ BHYT thanh toán. Ngoài ra, cha tôi trước đây có bướu cổ và được chuyển viện từ quê lên Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM để khám và điều trị, được bác sĩ hướng dẫn phải đóng tạm ứng gần 20 triệu đồng.

Cho tôi hỏi nếu trong trường hợp không đóng tạm ứng thì có được mổ hay không và vì sao có BHYT mà phải đóng tạm ứng?

Ông Trần Thế Trọng, Trưởng phòng Giám định BHYT 2, BHXH TP.HCM, trả lời: Không chỉ riêng về bệnh thận, tất cả bệnh khác khi người bệnh đi KCB đều được Quỹ BHYT thanh toán theo phạm vi mức hưởng.

Về câu hỏi của bạn Khoa, các thuốc điều trị về “bệnh thận” như bạn nói, danh mục thuốc tại Thông tư 20/2022 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đã đầy đủ.

Ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, tặng hoa cảm ơn cơ quan BHXH TP.HCM. Ảnh: MINH HOÀNG

Về chi phí cho dịch vụ kỹ thuật lọc thận nhân tạo, trung bình mỗi năm Quỹ BHYT thanh toán cho người lọc thận nhân tạo 140-170 triệu đồng. Chi phí này chưa bao gồm thuốc và các chi phí điều trị các bệnh đi kèm.

Việc đóng tạm ứng ở BV là việc BV giữ chi phí đồng chi trả và một số khoản phụ thu. BV sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về khoản phụ thu này. Đóng 20 triệu đồng có thể là chi phí thực hiện dịch vụ theo yêu cầu.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Mai hỏi: Tôi bị cận nặng, bác sĩ chỉ định tôi phải mổ mắt. Trường hợp của tôi đi mổ mắt thì có được hưởng BHYT không?

Ông Lương Đình Thới, Phó Trưởng phòng Giám định BHYT 1, BHXH TP.HCM, trả lời: Theo khoản 7 Điều 23 Luật BHYT 2008, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới sáu tuổi thuộc một trong 12 trường hợp không được hưởng BHYT. Đối chiếu với quy định trên, nếu bạn từ sáu tuổi trở lên và mổ mắt để điều trị cận thị và tật khúc xạ của mắt thì không được hưởng BHYT.

Bạn đọc Lê Quang Bảo thắc mắc: Ông tôi tuổi già nên mắc nhiều chứng bệnh, phải điều trị liên tục với mức chi phí rất cao. Cụ thể, năm vừa rồi chi phí mà Quỹ BHYT chi trả lên đến hàng trăm triệu đồng. Cho tôi hỏi Quỹ BHYT có giới hạn mức hưởng BHYT không? Hiện Quỹ BHYT chi trả cho một người tham gia BHYT cao nhất là bao nhiêu?

Ông Trần Thế Trọng, Trưởng phòng Giám định BHYT 2, BHXH TP.HCM, trả lời: Quỹ BHYT không giới hạn mức hưởng. Mức chi trả cao nhất cho một người bệnh vào năm 2023 (cho đến thời điểm hiện tại) là 36 tỉ đồng. Tuy vậy, một số thuốc, vật tư y tế thì có điều kiện, tỉ lệ thanh toán cho từng nhóm đối tượng.

Quyền lợi khi tham gia BHYT năm năm liên tục

Bạn đọc Võ Thanh Thúy hỏi: Chồng tôi tham gia BHYT năm năm liên tục. Đầu năm 2023, chồng tôi phát hiện bị ung thư và phải điều trị BHYT với số tiền hơn 200 triệu đồng. Dù đã cố gắng hết sức nhưng chồng tôi không qua khỏi. Cho tôi hỏi số tiền mà gia đình đã trả viện phí (mức đồng chi trả 20%) thì có được hoàn lại hay không?

Ông Trần Thế Trọng, Trưởng phòng Giám định BHYT 2, BHXH TP.HCM, trả lời: Người bệnh tham gia BHYT đủ năm năm liên tục, chi phí 20% phí đồng chi trả vượt quá sáu tháng lương tối thiểu (mức lương tối thiểu là 1.490.000 đồng hoặc 1.800.000 đồng tùy vào từng thời điểm) thì cơ quan BHXH sẽ cấp giấy miễn đồng chi trả. Trường hợp chồng bà đã mất, nếu người nhà nộp hồ sơ thì vẫn được nhận số tiền miễn đồng chi trả.

Các chuyên gia trả lời những câu hỏi thắc mắc của bạn đọc gửi đến. Ảnh: TRẦN MINH

Bạn đọc Lý Ngọc Nhi thắc mắc: Thủ tục được miễn đồng chi trả khi tham gia BHYT năm năm liên tục được tính như thế nào?

Ông Lương Đình Thới, Phó Trưởng phòng Giám định BHYT 1, BHXH TP.HCM, trả lời: Cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thuộc loại hồ sơ thanh toán trực tiếp, bạn nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH để xem xét. Nếu đủ điều kiện theo quy định, cơ quan BHXH sẽ cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.

Hồ sơ nộp cơ quan BHXH theo quy định gồm: Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: Thẻ BHYT, giấy chứng minh nhân thân theo quy định; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán; hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Bạn đọc Trần Thị Trang hỏi: Trẻ em mới sinh, đã làm giấy khai sinh nhưng chưa được cấp thẻ BHYT, nếu trẻ bị bệnh thì phải làm thế nào để được hưởng BHYT khi điều trị bệnh?

Phan Thị Mai, Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ BHXH TP.HCM, trả lời: Trẻ em mới sinh, đã làm giấy khai sinh nhưng chưa được cấp thẻ BHYT. Để được cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi thì trong thời hạn năm ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới sáu tuổi. Trường hợp cấp cứu thì bạn liên hệ với UBND phường, xã để được lập hồ sơ và cấp thẻ BHYT ngay trong ngày.

Được tăng mức hưởng BHYT theo quy định mới

Bạn đọc Văn Bé (ngụ TP.HCM) hỏi: Tôi là người tham gia kháng chiến, trước đây tôi phải đóng đồng chi trả. Mới đây, tôi nhập viện và phải điều trị với mức chi phí điều trị hơn 50 triệu đồng. Vậy trường hợp của tôi có được miễn đồng chi trả không?

Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, trả lời: Bạn tham gia kháng chiến, trước đây bạn được cấp mã thẻ BHYT mang mã KC quyền lợi số 4 (phải đóng đồng chi trả 20%). Tuy nhiên, theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT sẽ điều chỉnh mức hưởng BHYT ở một số đối tượng.

Theo đó, từ ngày 19-10-2023, bạn sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi đi KCB đúng quy định.

Như vậy, nếu trường hợp bạn đi KCB theo đúng quy định từ ngày 19-10-2023 và đã đóng đồng chi trả 20% thì bạn mang các hóa đơn, giấy tờ tùy thân có ảnh, thẻ BHYT đến BHXH gần nơi cư trú để làm thủ tục thanh toán lại phần đồng chi trả này.

PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới