Ngày 15-11, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra xác minh, xử lý các nội dung bài viết “Nhiều trại nuôi heo ở Hải Phòng, Gia Lai gây ô nhiễm” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM. Qua đó, xem xét, trả lời thông tin cho báo theo đúng quy định.
Đồng thời, yêu cầu sở tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, chủ động phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, UBND các huyện thị xã, thành phố để cập nhật tiến độ triển khai đầu tư thực tế các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các chủ dự án phải thực hiện đầy đủ các thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giấy phép môi trường đầu tư các hạng mục đảm bảo về môi trường trước khi đi vào hoạt động. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định.
Có ĐTM nhưng không có giấy phép môi trường
Theo thống kê của của Sở TN&MT, tình hình đầu tư các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến nay có 209 dự án chăn nuôi đã được cấp chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư (74 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, 135 dự án đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư).
Trong đó, có 47 dự án chăn nuôi được phê duyệt kết quả thẩm định ĐTM, chỉ có chín dự án được cấp giấy phép môi trường. Bên cạnh đó, có 329 trang trại nuôi heo quy mô vừa và nhỏ đang hoạt động không thuộc diện cấp giấy phép môi trường.
Theo Sở TN&MT: “Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số chủ dự án chưa nghiêm, còn chạy theo lợi ích kinh tế, nên trong quá trình hoạt động chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường. Nhiều trang trại chăn nuôi đi vào hoạt động chưa xây dựng hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, được cấp giấy phép môi trường".
Trong 9 tháng đầu năm 2023, sở đã tham mưu UBND tỉnh Gia Lai xử phạt tám trang trại chăn nuôi quy mô lớn với hành vi đi vào hoạt động chưa có giấy phép môi trường với tổng số tiền 2,5 đồng. Đồng thời đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải trong thời hạn 4,5 tháng.
Địa phương chịu trách nhiệm nếu xảy ra ô nhiễm
Về giải pháp, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho rằng để các dự án thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cần có sự phối hợp, triển khai đồng bộ của các sở, ngành và địa phương.
Đối với Sở KH&ĐT là cơ quan tham mưu đề xuất cấp chủ trương của các dự án chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án để xảy ra vi phạm đến mức phải thu hồi. Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ xin chấp thuận đầu tư các dự án chăn nuôi trên địa bàn các xã có mật độ chăn nuôi cao để đánh giá hiệu quả dự án đầu tư và công tác bảo vệ môi trường.
Với Sở NN&PTNT, khi thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn, yêu cầu trang trại phải có giấy phép môi trường theo quy định.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các dự án và chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh việc các trang trại đi vào hoạt động mà chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường, để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Công an tỉnh Gia Lai tăng cường kiểm tra công tác PCCC, môi trường đối với các cơ sở, dự án chăn nuôi khi có dấu hiệu vi phạm, khởi tố các dự án gây ô nhiễm môi trường theo quy định.
Như PLO phản ánh, ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, cho rằng cách quản lý giữa các sở, ngành còn vênh nhau, mỗi đơn vị áp dụng một kiểu dẫn đến tình trạng dự án đi vào hoạt động khó kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, Sở TN&MT căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu các dự án muốn đi vào hoạt động phải đáp ứng đủ điều kiện về ĐTM, cho vận hành thử rồi mới cấp giấy phép về môi trường và cho chăn nuôi. Trái lại, Sở NN&PTNT áp dụng theo Luật Chăn nuôi, căn cứ vào ĐTM và cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi mà không có giấy phép về môi trường.
Tám dự án nuôi heo bị xử phạt hơn 2,5 tỉ đồng
Trong 9 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt tám doanh nghiệp nuôi heo quy mô lớn nhưng chưa có giấy phép môi trường, gây ô nhiễm.
Cụ thể, các đơn vị bị phạt, gồm: Công ty TNHH Ia Piơr Tân, Công ty TNHH Nguyên Bảo, Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên (đều ở xã Ia Piơr, huyện Chư Prông), Công ty TNHH MTV Đầu tư chăn nuôi Bách Mộc Hợp (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh), Công ty TNHH Agrifarm Gia Lai (xã Yang Nam, huyện Kông Chro), Công ty Cổ phần Gia Lai Farms (xã Chơ Long, huyện Kông Chro), Công ty TNHH Chăn nuôi heo nái Bảo An (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) và Công ty TNHH Đầu tư chăn nuôi Bách Mộc Phát (xã Ia Hla, huyện Chư Pưh).