Làm khó luật sư - Bài 3: Làm sai nhưng không bị “trảm”

Luật Luật sư (sửa đổi năm 2012) quy định cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.

Quy định đã có

Theo Luật Luật sư, luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa khi có đủ các loại giấy tờ là thẻ luật sư, giấy yêu cầu luật sư của khách hàng và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư. Thời hạn cấp giấy chứng nhận không quá ba ngày... Luật sư chỉ bị từ chối cấp giấy khi người yêu cầu là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư; luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng…

BLTTHS năm 2003 quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của bộ luật này. Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ...

Làm khó luật sư - Bài 3: Làm sai nhưng không bị “trảm” ảnh 1

Việc quy định luật sư tham gia tố tụng thực hiện quyền bào chữa khá đầy đủ nhưng thiếu chế tài điều tra viên, cơ quan điều tra cản trở luật sư. Ảnh minh họa: HTD

Tiếp đó, Thông tư 70 ngày 10-10-2011 của Bộ Công an cũng quy định chi tiết thi hành BLTTHS liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra. Trong thông tư, lần đầu tiên ngành công an ràng buộc điều tra viên phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can về quyền bào chữa, đồng thời lập biên bản ghi rõ ý kiến xem họ có nhờ người bào chữa hay không. Nếu có nhờ đích danh luật sư thì điều tra viên hướng dẫn viết giấy yêu cầu và trong thời hạn 24 giờ phải gửi cho luật sư bằng bưu điện. Nếu bị can yêu cầu người thân nhờ luật sư thì trong vòng 24 giờ giấy yêu cầu này cũng phải được gửi cho người thân đó…

Thông tư còn quy định khá chi tiết về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, việc luật sư gặp thân chủ, việc tiếp cận sao chép hồ sơ vụ án. Ngoài ra, sau khi cấp giấy chứng nhận bào chữa, điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa cho người bào chữa... Điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 giờ, người bào chữa ở xa thông báo trước 48 giờ... Khi người bào chữa có văn bản đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can thì cơ quan điều tra phải tạo điều kiện (nếu từ chối phải có lý do).

Thiếu chế tài “xử” người cản trở luật sư

Như vậy, quy định để luật sư tham gia tố tụng thực hiện quyền bào chữa đã có và khá đầy đủ, tại sao cho đến nay giới luật sư vẫn phải than trời về chuyện này? Trong một số hội thảo, hội nghị về quyền bào chữa, đã có những ý kiến lý giải rằng do điều tra viên, cơ quan điều tra e ngại luật sư vào sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”, xúi giục bị can đối phó, không hợp tác... làm cản trở đến hoạt động điều tra. Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ ra rằng đó là suy nghĩ không đúng bởi sự có mặt của luật sư, với tư cách người bào chữa, sẽ giúp cơ quan điều tra hành xử đúng luật, tránh oan, sai. Nhất là khi nước ta đang đẩy mạnh cải cách tư pháp thì vai trò của luật sư càng trở nên quan trọng.

Trao đổi với chúng tôi, các luật sư cho rằng một vấn đề mấu chốt là quy định đảm bảo quyền bào chữa cũng như quyền tham gia tố tụng của luật sư đã có nhưng nếu điều tra viên, cơ quan điều tra cố tình vi phạm, cố tình làm khó, cản trở luật sư hành nghề thì lại thiếu chế tài xử lý cụ thể. Cho đến nay, cả BLTTHS và các văn bản hướng dẫn vẫn chưa có chế định nào xử lý những hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư. Trên thực tế, cũng chưa thấy vụ nào mà người tiến hành tố tụng bị xử lý nghiêm túc, công khai về hành vi này cả, cùng lắm chỉ là “nhắc nhở, rút kinh nghiệm nội bộ”.

Để đối phó khi bị điều tra viên, cơ quan điều tra làm khó, luật sư chỉ có hai cách là khiếu nại hoặc lẳng lặng cam chịu, chờ vụ án qua giai đoạn truy tố hoặc xét xử thì mới xin tham gia. Nếu khiếu nại phản ánh lên Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư, cơ quan điều tra cấp trên hoặc công luận, không ít luật sư e ngại thân chủ sẽ gặp bất lợi. Không chỉ có thế, họ còn e ngại mối quan hệ giữa mình và cơ quan điều tra sẽ trở nên xấu hơn, bất lợi cho họ khi tham gia vụ án khác sau này.

Quyền gặp mặt người bị tạm giam: Chưa rõ

Bên cạnh đó, BLTTHS hiện hành không có quy định cho phép người bào chữa được tiếp xúc riêng với người bị tạm giữ, bị can để tư vấn quyền và nghĩa vụ và hỏi xem người bị tạm giữ, bị can có cần luật sư hay không. Trong khi quy định khác trong bộ luật lại yêu cầu phải có ý kiến của hai đối tượng trên thì luật sư mới được tham gia vụ án. Do đó, nếu muốn “hành” luật sư thì điều tra viên chỉ cần không cho hai bên tiếp xúc với nhau là luật sư hết cách.

Thông tư 70-2011 của Bộ Công an có mở rộng quy định điều tra viên phải giải thích cho người bị bắt quyền có luật sư và cho phép người nhà của họ được yêu cầu luật sư. Thế nhưng muốn làm khó, điều tra viên chỉ cần đưa ra tờ giấy từ chối luật sư của người bị bắt. Hầu hết các trường hợp này khi ra tòa đều cho biết do cán bộ điều tra, điều tra viên ép, dọa.

Theo các luật sư, Thông tư 70 được đánh giá là tiến bộ nhưng vẫn chưa rõ ràng về quyền gặp mặt người bị tạm giữ, bị can của người bào chữa trong giai đoạn điều tra.

Một giấy hay nhiều giấy?

Theo Điều 27 Luật Luật sư, giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, từ giai đoạn điều tra cho đến phiên xử phúc thẩm. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 56 BLTTHS lại quy định: “Trong thời hạn ba ngày… Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa…”. Từ quy định này, cứ mỗi khi vụ án chuyển qua giai đoạn tố tụng nào là cơ quan thụ lý ở giai đoạn đó lại bắt luật sư phải làm lại giấy chứng nhận người bào chữa mới. Đây cũng là một bức xúc của giới luật sư và đã có nhiều kiến nghị về việc cấp một giấy chứng nhận người bào chữa xuyên suốt các giai đoạn tố tụng.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm