Lạm phát giảm đáng kể nhưng nhiều nước vẫn duy trì tăng lãi suất

(PLO)- Lạm phát đã dịu đáng kể thời gian gần đây và đang tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn duy trì tăng lãi suất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ The Financial Times, từ mùa thu năm ngoái tỉ lệ lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế đã giảm đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra là 2%.

Điều này khiến giới hoạch định chính sách từ các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đau đầu với việc liệu có nên tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát hay không.

Lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao

Theo hãng tin Bloomberg, so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 là 4,8% (tăng 0,2% so với hồi tháng 5). Trong khi đó, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 5,5% (giảm 0,6% so với hồi tháng 5).

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington D.C. Ảnh: REUTERS
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington D.C. Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, tại các thị trường năng động như Anh và Úc, tỉ lệ lạm phát cũng có xu hướng giảm, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát của Anh trong tháng 6 là 8,2% (giảm 0,7% so với tháng 5); lạm phát tại Úc trong tháng 6 là 5,7% (giảm 0,2% so với tháng 5).

Trong bối cảnh lạm phát giảm đáng kể hoặc không tăng quá cao trong thời gian gần đây, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn không ngừng nỗ lực nhằm ổn định giá cả thị trường và kìm hãm lạm phát.

Mới đây, khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày (từ 25 đến 26-7), FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, nâng tổng mức lãi suất tại Mỹ lên 5,25% - mức cao nhất kể từ năm 2001.

Chủ tịch FED - ông Jerome Powell cho biết kể từ năm ngoái, lạm phát tại Mỹ đã dịu đi một phần, nhưng chặng đường đưa Mỹ đạt mục tiêu lạm phát 2% vẫn còn xa.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 nếu các dữ liệu thị trường khi đó buộc chúng tôi phải làm vậy. Ở diễn biến khác, chúng tôi vẫn có thể giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại, nhưng để làm vậy chúng tôi buộc phải xem xét và đánh giá kỹ lưỡng các tác động của lãi suất tới nền kinh tế” - ông Powell nhấn mạnh.

Bloomberg dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng gần như chắc chắn ECB sẽ tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 27-7 (giờ địa phương), với mức tăng nhẹ 0,25% (nâng tổng mức lãi suất của khu vực eurozone lên 4%).

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% trong ngày 3-8, nâng tổng mức lãi suất tại Anh lên 5,25%.

Vẫn cần tiếp tục tăng lãi suất

Nói với The Financial Times, ông Joachim Nagel, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo rằng lạm phát là “một con thú tham lam”, ngừng tăng lãi suất sẽ là sai lầm lớn nhất đối với các ngân hàng trung ương.

Người dân mua sắm tại siêu thị bang Missouri (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Người dân mua sắm tại siêu thị bang Missouri (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Adam Posen của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Anh) cũng ủng hộ quan điểm này. Ông Posen cho rằng các ngân hàng trung ương lớn như FED và ECB cần mạnh tay hơn nữa để đưa giá cả thị trường ổn định trở lại.

“Sẽ là một canh bạc tồi cho các ngân hàng trung ương nếu họ có ý nghĩ rằng lạm phát sẽ lắng xuống mà không cần ra đòn mạnh tay” - ông Posen nhấn mạnh.

Ông Posen cũng gợi ý rằng các nhà hoạch định chính sách có thể cân nhắc nới lỏng mục tiêu lạm phát từ mức 2% lên mức 3%, để tránh tác động tiêu cực quá lớn lên nền kinh tế.

Theo Bloomberg, sau cuộc họp chính sách tháng 7, 2 ngân hàng trung ương FED và ECB sẽ không nhóm họp nữa mà phải chờ tới tháng 9. Trong thời gian đó, các nhà hoạch định sẽ đánh giá tác động của lãi suất tới thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, cũng như hiệu quả của lãi suất trong việc kìm hãm lạm phát trước khi đưa ra những quyết định mới.

Nhật “đi ngược dòng”?

Trái với các ngân hàng trung ương lớn khác, giới quan sát cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ không thay đổi chính sách lãi suất của mình tại cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-7, theo Bloomberg.

Lạm phát tại Nhật trong tháng 6 là 3,3% so với cùng kỳ năm 2022 (cao hơn 0,1% so với tháng 5), và vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của BOJ.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 21-7, Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda cho rằng Nhật vẫn phải đi một chặng đường dài để sớm duy trì mức lạm phát ổn định là 2%, đồng thời nhấn mạnh rằng ông ủng hộ việc tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, bởi việc tăng lãi suất ở thời điểm hiện tại là không cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm