IMF: Kinh tế toàn cầu sáng hơn, thách thức vẫn còn

(PLO)- IMF cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 trên đà tăng, song tăng trưởng chung năm nay vẫn chậm ở các nền kinh tế phát triển, và điểm sáng vẫn là các nền kinh tế phương Đông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu 2023 công bố ngày 25-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ mức 2,8% (dự đoán hồi tháng 4) lên 3%, hãng DW đưa tin.

IMF cho rằng tốc độ tăng trưởng tăng là nhờ lĩnh vực dịch vụ có khả năng phục hồi tốt và thị trường lao động mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm 2023. IMF cũng cho biết áp lực lạm phát và căng thẳng đối với lĩnh vực ngân hàng đang giảm bớt.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ không thay đổi, dao động quanh mức 3% vào năm 2024, do rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn còn. Theo đó, mức tăng trưởng (dự đoán) của năm 2023 và 2024 vẫn chậm hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới hồi năm 2021 (6,3%) và 2022 (3,5%).

"Mặc dù dự báo mới cho năm 2023 cao hơn một chút so với dự đoán hồi tháng 4, nhưng nó vẫn yếu so với các năm trước đó” - theo IMF.

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: CBS NEWS

Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington D.C. (Mỹ). Ảnh: CBS NEWS

Các nền kinh tế mới nổi dẫn đầu

IMF dự đoán rằng một phần lớn tăng trưởng trong năm 2023 sẽ đến từ các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, với mức tăng trưởng "ổn định" lần lượt từ 4 đến 4,1% vào năm 2023 và 2024. Kết quả này chủ yếu có được nhờ sự đóng góp của Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo báo cáo, các nền châu Á mới nổi và đang phát triển tăng trưởng mạnh ở mức 5,3% trong năm nay, và giảm về mức 5% trong năm tới (nhưng vẫn là nhóm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất). Tuy vậy, tại Trung Quốc, sự phục hồi sau khi mở cửa lại nền kinh tế có dấu hiệu mất đà và những lo ngại về lĩnh vực bất động sản vẫn đang dai dẳng.

Mặt khác, tăng trưởng ở các nền kinh tế tiên tiến được dự báo sẽ tăng chậm hơn đáng kể, chỉ ở mức 1,5% và 1,4% vào năm 2023 và 2024. Đối với Mỹ, IMF dự đoán mức tăng trưởng năm 2023 là 1,8%, dự kiến ​​sẽ giảm xuống 1% vào năm 2024.

“Nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái và hướng tới mục tiêu lạm phát mà không bị suy thoái trong tương lai, nhưng đó là một con đường rất, rất hẹp” - nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas chia sẻ với hãng tin AFP.

Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu, được dự báo sẽ là nền kinh tế G7 (Nhóm 7 nền kinh tế phát triển) duy nhất có mức tăng trưởng âm trong năm nay (-0,3%). IMF cho rằng điều này là do sản lượng sản xuất yếu và suy giảm kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2023 tại nước này. Tuy nhiên, vào năm 2024, IMF dự báo mức tăng trưởng của Đức sẽ phục hồi phần nào, với GDP dự kiến ​​tăng 1,3%.

Rủi ro còn đó

“Giờ đây, tăng trưởng mạnh hơn và lạm phát thấp hơn dự kiến ​​là những tin tức đáng mừng, cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, tăng trưởng vẫn ở mức thấp so với các tiêu chuẩn lịch sử, và dù một số rủi ro đã giảm bớt, cán cân vẫn nghiêng về phía tiêu cực. Vẫn còn quá sớm để ăn mừng” - ông Gourinchas nói, theo trang imf.org.

"Lạm phát có thể vẫn ở mức cao và thậm chí tăng lên nếu những cú sốc tiếp theo xảy ra, bao gồm những cú sốc từ việc chiến sự Nga-Ukraine leo thang và các sự kiện liên quan đến thời tiết cực đoan, dẫn đến việc siết chặt chính sách tiền tệ" - báo cáo của IMF cho biết.

“Tại các nền kinh tế tiên tiến, lạm phát cơ bản dự kiến ​​sẽ vẫn ở 5,1% trong năm nay trước khi giảm xuống 3,1% vào năm 2024. Rõ ràng, cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa có kết quả” - nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas.

Dù lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt sau khi chạm mức kỷ lục ở Mỹ và châu Âu, giá tiêu dùng toàn cầu vẫn được dự báo tăng 6,8% trong năm 2023, so với mức trung bình 3,5% trước đại dịch.

“Tăng trưởng dự báo trong 5 năm tới chỉ gần 3% hoặc có thể cao hơn một chút. Đây là sự chậm lại đáng kể so với những gì chúng ta đã có trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát" - ông Gourinchas chia sẻ với hãng tin Reuters.

Theo ông Gourinchas, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động toàn cầu đang mất đà. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu dẫn đến việc gia tăng lãi suất. Điều này đã bắt đầu gây tác động đến các hoạt động toàn cầu, làm chậm tốc độ tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực phi tài chính, tăng các khoản thanh toán lãi suất của các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời tạo áp lực lên thị trường bất động sản.

Mách nước ưu tiên chính sách

Theo IMF, các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế có lạm phát cơ bản cao và kéo dài cần tiếp tục thể hiện rõ ràng cam kết giảm lạm phát.

Đứng trước tình trạng không chắc chắn như hiện nay, các nước cần linh hoạt điều chỉnh chính sách dựa trên số liệu ghi nhận về lạm phát và tránh nới lỏng quá sớm, đồng thời nỗ lực duy trì sự ổn định tài chính bằng các công cụ sẵn có. Các chính phủ cần xem xét cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế để đảm bảo tính bền vững của nợ công nhằm giảm bớt lạm phát hơn nữa.

Tiếp đó, các nước cần nỗ lực duy trì sự ổn định tài chính và luôn trong tâm thế sẵn sàng đối mặt các cú sốc tiếp theo nếu có. Theo IMF, việc tăng cường giám sát và quản lý rủi ro để dự đoán các giai đoạn căng thẳng tiếp theo của ngành ngân hàng là hoàn toàn cần thiết.

Các chính phủ có thể ưu tiên sử dụng các giải pháp chính sách vĩ mô để giải quyết những rủi ro mới nổi trong ngân hàng và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Trong trường hợp căng thẳng thị trường xuất hiện, việc triển khai nhanh chóng các công cụ hỗ trợ thanh khoản sẽ giúp tình hình bớt leo thang.

Theo ông Gourinchas, sự gia tăng tình trạng phân mảnh địa kinh tế, với việc nền kinh tế toàn cầu có khả năng bị chia cắt thành các khối cạnh tranh, sẽ gây tổn hại lớn nhất cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Các nước nghèo cũng sẽ dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc khí hậu nghiêm trọng do không có đủ hành động ứng phó biến đổi khí hậu, ngay cả khi lượng khí thải mà các nước này thải ra chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lượng khí thải toàn cầu.

Vì lẽ đó, ông Gourinchas nhận định rằng hợp tác đa phương vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo một nền kinh tế an toàn và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm