Lạm phát thấp, GDP quý III ước tăng 13,67%

(PLO)-  Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-9, Tổng Cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế, xã hội quý III và 9 tháng năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết: Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục...

Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Thời điểm này năm ngoái, GDP tăng trưởng âm 6,03%.

Bà Nguyễn Thị Hương (giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì công bố báo cáo kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022. Ảnh: VH

Bà Nguyễn Thị Hương (giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì công bố báo cáo kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2022. Ảnh: VH

GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (đóng góp 41,79%); trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018; khu vực dịch vụ tăng 10,57% (đóng góp 54,17%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.

So với tháng 12-2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý III và 9 tháng năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

9 tháng có 163.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 9-2022 cả nước có 11.466 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 3,8% so với tháng 8-2022 nhưng tăng 194,1% so với cùng kỳ năm trước; có 5.118 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 20,7% so với tháng 8-2022 và tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Có 2.935 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 4.187 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.516 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 112.700 doanh nghiệp, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm