Làm rõ đường sắt tốc độ 350 km/giờ có chở được khách và hàng không?

(PLO)-  Sau khi tham vấn ý kiến các nhà khoa học, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ GTVT làm rõ kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hoá trên thế giới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Mở đầu phiên họp, Phó Thủ tướng đưa ra “đề bài” cho buổi thảo luận đó là tập trung trả lời câu hỏi đường sắt tốc độ cao có kết hợp vận tải hành khách và hàng hoá hay không; giải pháp công nghệ, tốc độ phù hợp và kinh nghiệm phát triển của các nước; lộ trình triển khai, các đoạn tuyến ưu tiên...

Theo đó, Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cần đầu tư với tốc độ thiết kế là 350 km/giờ, vận tải hành khách và vận tải hàng hoá khi có nhu cầu; còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ chuyển sang phục vụ vận tải hàng hoá.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) đánh giá tác động của dự án đến nền kinh tế, qua đó cho thấy dự án có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025-2037.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai bàn về phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp thứ hai bàn về phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: VGP

Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cũng đã rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án huy động nguồn vốn, đánh giá tác động nợ công; đề án phát triển nguồn nhân lực; định hướng phát triển công nghiệp đường sắt…

Khác với đề xuất của Bộ GTVT là phát triển tuyến đường sắt mới để chở khách, GS.TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng ngoài mục tiêu vận tải hành khách, tuyến đường sắt tốc độ cao phải tăng thị phần vận tải hàng hoá đường dài có như vậy mới giảm chi phí logistics. Đặc biệt các tuyến đường sắt trong nước "dứt khoát phải liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế".

"Mặc dù vận tải đường thuỷ nội địa, đường biển có ưu thế về chi phí, nhưng thời gian kéo dài, bốc dỡ nhiều lần. Nên đây là cơ hội rất lớn để ngành đường sắt tăng thị phần vận tải hàng hoá đường dài, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế", GS.TS Lã Ngọc Khuê phân tích.

Thêm vào đó, ông Khuê cho rằng Việt Nam chưa làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao. Nếu lựa chọn tốc độ 350 km/giờ thì sự phụ thuộc của nước ta vào đối tác nước ngoài sẽ còn lớn hơn nhiều, không chỉ trong xây dựng triển khai dự án mà còn trong suốt vòng đời vận hành dự án về sau. Sự thua lỗ cùng với những hệ lụy nặng nề đối với kinh tế - xã hội là không thể lường hết được.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng trong tương lai việc đánh thuế carbon sẽ làm chi phí vận tải đường bộ, đường thuỷ, hàng không tăng mạnh, trong khi đây sẽ là ưu thế của vận tải đường sắt chặng dài.

Ông Vương Đình Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị tính toán kỹ phương án đưa toàn bộ tuyến đường sắt hiện hữu chỉ phục vụ chạy tàu hàng; đầu tư cho công nghiệp đường sắt, nhất là chế tạo đầu máy, toa xe,… song song với lộ trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao.

Cho rằng kỹ thuật và công nghệ chúng ta còn phụ thuộc bên ngoài, TS. Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị trong nước cần chủ động cơ chế, chính sách để huy động được nguồn lực, đột phá về cách làm.

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, một quốc gia công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần phát triển đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong xu thế chuyển đổi xanh hiện nay.

Bộ GTVT cần tiếp thu, giải trình, làm rõ các ý kiến được nêu tại phiên họp, hoàn thiện phương án đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao bảo đảm đồng bộ, thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn từ thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành…

"Phải giữ lại các nhà ga trung tâm ở các đô thị lớn mang tính biểu tượng, đồng thời bảo đảm hành lang an toàn bằng cách kết hợp với tuyến đi trên cao, đi ngầm"- Phó Thủ tướng lưu ý.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ hiệu quả kinh tế, công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hoá trên thế giới; phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành đồng bộ, thống nhất; phương án tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiến tới làm chủ và xây dựng ngành công nghiệp đường sắt trong nước…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm