Làm rõ khả năng huy động 4.200 tỉ đồng để làm sân bay Phan Thiết

(PLO)- Hội đồng Thẩm định liên ngành, đề nghị làm rõ khả năng huy động vốn cho hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn vốn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Chủ tịch Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa ký báo cáo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

sân bay Phan Thiết
Phối cảnh hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết.Ảnh: PN

Sẽ hoàn vốn sau 44 năm

Theo đó, sân bay Phan Thiết gồm hai phần chính, phần quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư đã đưa vào khai thác, sử dụng; phần hàng không dân dụng là cảng hàng không cấp 4C đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 và UBND tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông.

Đến nay, quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã nâng quy mô sân bay Phan Thiết lên cấp 4E.

Mục tiêu phục vụ hàng không dân dụng cấp 4E đảm bảo công suất hơn 2 triệu khách/năm đến năm 2030; hơn 3 triệu khách/năm đến năm 2050. Đồng thời, khai thác các chuyến bay nội địa, quốc tế không thường lệ phục vụ việc đi lại của người dân, du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tương lai khu vực Nam Trung Bộ và lân cận sẽ có nhiều cảng hàng không hoạt động hàng không dân dụng như sân bay Thành Sơn, Cam Ranh, Liên Khương, Biên Hòa, Long Thành, Tân Sơn Nhất nên sân bay Phan Thiết sẽ không tăng trưởng đột biến.

trung-doan-920 (2).jpg
Ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận thăm Trung đoàn 920 vừa về sân bay Phan Thiết đóng quân.Ảnh: PN

UBND tỉnh Bình Thuận dự báo, lưu lượng khách đến hết vòng đời dự án đạt 3,5 triệu lượt/năm là phù hợp.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng (đã bao gồm chi phí lãi vay). Trong đó, giai đoạn 1 hơn 3.700 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 1.200 đồng. Trong đó, vốn nhà nước gần 20 tỉ đồng, gồm chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng (đã thực hiện).

Vốn nhà đầu tư 5.000 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu tối thiểu gần 800 tỉ đồng, vốn vay tín dụng tối đa 4.300 tỉ đồng (tỉ lệ 85%).

Thời gian triển khai dự án là 47 năm 2 tháng, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng công trình là 27 tháng; thời gian vận hành, khai thác và hoàn vốn là 44 năm 11 tháng.

Đề xuất thu 20USD/khách quốc tế

Báo cáo nêu: Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư mới hạng mục dân dụng vào tháng 10-2024, dự kiến bắt đầu vận hành khai thác từ tháng 12-2026. Trong khi đó, dự án quân sự dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Do thời gian thực hiện của hai dự án không khớp, nên sẽ phát sinh khó khăn trong quá trình thi công, vận hành, khai thác. Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, tham vấn kỹ lưỡng cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông vận tải có các giải pháp xử lý các hạng mục dùng chung để không ảnh hưởng đến quá trình khai thác.

Về phương án thu hồi vốn đầu tư: UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất mức giá thu phí bình quân phục vụ hành khách quốc tế là 20 USD/khách, phí phục vụ khách quốc nội là 90.909 VNĐ/khách, bằng mức thu của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

san-bay-phan-thiet (2).jpg
Các chuyến bay quân sự đã nhiều lần bay và hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Thiết.Ảnh: PN

Báo cáo đánh giá, nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 15% trong tổng phần vốn của nhà đầu tư, đảm bảo yêu cầu tối thiểu là 15% theo quy định.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉ lệ vốn chủ sở hữu tham gia và dự án ở mức thấp. Để tăng tính khả thi, hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét tăng tỉ lệ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; đồng thời, đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai dự án.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, dự án có thời gian hoàn vốn rất dài, gần 45 năm; có rủi ro, đặc biệt là số liệu dự báo các yếu tố cấu thành phương án tài chính dự án.

Bên cạnh đó, dòng tiền của dự án, trong 31 năm đầu khai thác không có khả năng hoàn trả nợ gốc vay. Như vậy, nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng. Trong khi phương án tài chính không đảm bảo trả nợ sẽ rất khó có khả năng huy động vốn tín dụng ngân hàng. Như vậy, tính thực tiễn vay vốn tín dụng của dự án là không khả thi.

Do vậy, Hội đồng thẩm định đề nghị: UBND tỉnh Bình Thuận làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án, nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn huy động (vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng, phát hành trái phiếu) để đầu tư dự án, giảm sự phụ thuộc vào một nguồn vốn, nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong nước.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp thu các ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và giải trình, làm rõ thêm tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án.

Hội đồng thẩm định lưu ý, đối với Hợp đồng BOT mà UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty Rạng Đông đã ký vào năm 2016, do quy mô đầu tư thay đổi, dẫn đến tổng mức đầu tư thay đổi.

UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ Hợp đồng và Bộ Luật Dân sự để thỏa thuận và chấm dứt Hợp đồng dự án trước thời hạn. UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện về việc chấm dứt hợp đồng BOT đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không phát sinh các nghĩa vụ của nhà nước cũng như các khiếu kiện, tranh chấp trong tương lai.

Về nhà đầu tư mới, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật.

“Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải trình, làm rõ, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo ý kiến của Hội đồng đã nêu để đủ cơ sở trình Thủ tướng. Trong đó, tỉnh Bình Thuận phải khẳng định rõ hồ sơ dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu, các nội dung liên quan trong hồ sơ dự án”, báo cáo của Hội đồng thẩm định kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm