Chấm dứt hợp đồng BOT sân bay Phan Thiết trước thời hạn

(PLO)- Việc nâng cấp sân bay Phan Thiết từ 4C lên 4E đã tăng tổng mức đầu tư, do đó phải điều chỉnh lại chủ trương, chấm dứt Hợp đồng BOT trước thời hạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo Văn phòng Chính phủ về các công trình trọng điểm của tỉnh, trong đó có hạng mục hàng không dân dụng dự án cảng hàng không Phan Thiết.

Phối cảnh hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết.

Phối cảnh hạng mục hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết.

Theo báo cáo, Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với khu bay quân sự và UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục hàng không dân dụng.

Ngày 23-2-2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định ngày 29-8-2018.

Theo đó, sân bay Phan Thiết được điều chỉnh từ sân bay cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 hành khách/năm lên thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Thủ tướng Chính phủ thị sát tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết.

Thủ tướng Chính phủ thị sát tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết.

Đối với dự án Sân bay quân sự tại Phan Thiết (Dự án eKQ920): Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và Bộ Quốc phòng đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Hiện nay, khu quân sự đang triển khai thi công xây dựng các hạng mục quân sự và đường cất hạ cánh. Tiến độ thi công đạt trên 60% khối lượng công việc.

Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT: Do tổng mức đầu tư dự án tăng trên 10% (điều chỉnh từ cấp 4C lên 4E), căn cứ khoản 1 Điều 18 Luật PPP phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tỉnh Bình Thuận rà soát năng lực của nhà đầu tư, xem xét lựa chọn nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thay thế.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phải công khai, minh bạch, đúng quy định, đảm bảo uy tín, năng lực để hoàn thành công trình đồng bộ với sân bay quân sự. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hoàn chỉnh chủ trương đầu tư trình Hội đồng thẩm định liên ngành của Trung ương thẩm định; đồng thời rà soát quy định pháp luật, năng lực của Nhà đầu tư, chủ động làm việc với nhà đầu tư.

Đến nay, UBND tỉnh đã có văn bản gửi nhà đầu tư đề nghị thống nhất chấm dứt Hợp đồng BOT trước thời hạn. Đồng thời, UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng BOT trước thời hạn để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Trung tuần tháng 6-2023, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện dự án Cảng hàng không Phan Thiết, chủ trì họp phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, TP Phan Thiết, Quân chủng Phòng không - Không quân và các sở, ngành có liên quan quyết liệt công tác bồi thường, giải phòng mặt bằng các đài dẫn đường bay, đường giao thông kết nối… Từ đó kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Được biết, đến nay đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 545,56 ha, gồm: Mặt bằng sân bay 542 ha, đài Vor 1 ha và đài dẫn đường K2 2,56 ha. UBND tỉnh đã giao đất cho Bộ Quốc phòng 150 ha khu quân sự; 247,4 ha khu bay (khu dùng chung); 2,56 ha đài dẫn đường K2.

Hiện nay khu sân bay quân sự, Quân chủng Phòng không - Không quân đã thi công xong phần nền các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay và dự kiến các hạng mục này sẽ hoàn thành trong tháng 12-2023.

Sau hơn tám năm khởi công, dự án phải đàm phán kết thúc hợp đồng để lựa chọn nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng mới do tăng mức đầu tư.

Cụ thể, việc nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên 4E đã tăng tổng mức đầu tư lên hơn 3.800 tỉ đồng nên phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Do đó, tỉnh Bình Thuận phải đàm phán, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông ở hạng mục hàng không dân dụng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm