Sáng 27-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án dự án Luật Phòng không nhân dân.
Bổ sung quy định phân loại đăng ký tàu bay không người lái
Góp ý cho dự án Luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết hiện nay với nền khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đã xuất hiện những phương tiện chiến tranh mới nguy hiểm, đặc biệt về đường không.
Theo ông, hiện nay một số nước đã phát triển các phương tiện bay siêu nhẹ như mô tô bay, ô tô bay... và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.
“Cần có sự đánh giá kỹ lưỡng hơn để có phạm vi điều chỉnh, quản lý phù hợp với các loại phương tiện bay này” – đại biểu đề nghị và cho rằng trong trường hợp không quy định các loại phương tiện cụ thể thì cần nghiên cứu tiêu chí nhận diện phương tiện bay để có giải pháp quản lý phù hợp.
Còn đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) đề nghị ban soạn thảo bổ sung, rà soát với các luật mới được Quốc hội thông qua, như Luật Đất đai, Luật Giá, Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hay dự án luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, dự thảo luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... để đảm bảo tính tương thích.
Theo ông, việc sử dụng máy bay không người lái đang được khai thác tương đối phổ biến, rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp kỹ thuật cao như tưới tiêu, phun và quản lý rừng; hay trong lĩnh vực truyền thông, điện ảnh có flycam, du lịch có khinh khí cầu…
Đại biểu Đức nói theo dự thảo luật thì tàu bay không người lái, tàu bay siêu nhẹ phải được đăng ký quản lý trước khi khai thác sử dụng và không có quy định phân loại.
“Quy định này có thể làm phát sinh thủ tục hành chính cho người dân” – ông nói và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định phân loại hoặc miễn trừ đối với việc đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Từ đó, giúp làm giảm bớt các chi phí bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động phát sinh phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Công an, Quốc phòng có thể đình chỉ chuyến bay
Giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu sau đó, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết việc xác định độ cao 5.000 m không phải việc khó vì hiện nay Bộ còn có thể xác định được ở cả độ cao 10 m.
Về cấp phép bay, Bộ Công an cấp phép bay cho các phương tiện bay siêu nhẹ, các phương tiện bay không người lái của Bộ Công an, còn Bộ Quốc phòng cấp phép cho các phương tiện bay của Bộ Quốc phòng. Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, các phương tiện bay khác đều phải đăng ký ở Bộ Công an nhưng trách nhiệm quản lý ở Bộ Quốc phòng. Lý giải, Đại tướng Phan Văn Giang cho hay Bộ Quốc phòng có các trang bị bảo đảm và được Chính phủ giao nhiệm vụ này.
Từ trước tới nay, Bộ Quốc phòng giao cho Cục Tác chiến cấp phép nhưng hiện nay số lượng phương tiện bay siêu nhẹ, phương tiện bay không người lái tăng nhiều so với trước đây. Do đó, Bộ sẽ tính toán, có thể quy định cho cấp dưới cấp phép, ở cấp tỉnh, cấp quân khu, quân chủng.
“Khi thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an có thể đình chỉ chuyến bay” – ông Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Về quy định điều khoản “quét” ở Điều 7 liên quan các hành vi bị nghiêm cấm, Bộ trưởng bày tỏ hoàn toàn nhất trí và sẽ bổ sung thêm quy định này vào dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ, toàn diện hơn.
Về nội dung quyền bắn khi thực hiện chế áp, Bộ trưởng cho biết trường hợp chế áp để hạ cánh, nếu không chấp hành thì quân đội có quyền bắn để đảm bảo tính răn đe và cưỡng chế, đảm bảo an toàn an ninh, đây cũng là quy định được áp dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, việc bảo vệ vùng trời là nhiệm vụ rất quan trọng, do nhiều lực lượng phối hợp thực hiện ở các độ cao khác nhau, từ xa đến gần, ở các tầm, tầng và nhiều hướng.
“Đặc biệt, khu vực dưới 5.000m là khu vực cực kỳ quan trọng trong tác chiến” – Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh và cho biết đây là nguyên tắc đã được rút ra trong các cuộc chiến tranh, đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn.
Theo dự thảo luật, lực lượng phòng không, không quân có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo luật trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 m đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay tàu bay không người lái đang được nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao.
Ở trong nước, tình trạng sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.